Thứ Bảy, 20/4/2024 - 04:17:16 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

THỨ BA, 06/11/2018 09:10:00 | HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(BKTO) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/11, về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Nghị quyết số 30), đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 01/02/2019, đồng thời, để nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.

Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để triển khai thi hành Nghị quyết số 30 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2017, cùng thời điểm thi hành với Nghị quyết số 30.
 

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Theo số liệu thống kê từ ngày 1/2/2017 đến ngày 15/10/2018, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài, trong đó, 327.310 lượt người nước ngoài tự làm thủ tục; 9.622 lượt người nước ngoài thông qua cơ quan, DN mời, bảo lãnh đề nghị cấp thị thực điện tử. Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, từ tháng 2 đến tháng 6/2018, đã có 115.349 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm 2017.

Thủ tục cấp thị thực điện tử thực hiện đơn giản, đảm bảo thuận lợi, công khai, minh bạch. Công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đảm bảo chặt chẽ, không để lọt các trường hợp người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam. Việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, chưa phát sinh những vấn đề phức tạp; không để người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam.

Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ rõ, việc thực hiện Nghị quyết số 30 đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế, chủ yếu trong công tác triển khai thực hiện. Một số người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh không đúng cửa khẩu đã được duyệt trên thị thực điện tử hoặc qua các cửa khẩu quốc tế không có trong danh sách 28 cửa khẩu quốc tế nên đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh khó khăn trong việc giải quyết tại cửa khẩu; tốc độ truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử có lúc còn hạn chế, người nước ngoài còn gặp lỗi kỹ thuật khi truy cập; số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng số người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đánh giá tổng quát, Chính phủ thấy rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 1/2/2019.

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 01/02/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6.
 

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn


Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 30 và đồng tình với đề xuất của Chính phủ tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc kéo dài thí điểm để có thời gian chuẩn bị vững chắc hơn cả về thể chế và cơ chế.

Theo các đại biểu Quốc hội, việc cấp thị thực điện tử thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực và lợi ích to lớn cho Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, việc kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ đã bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, góp phần thu hút hơn nữa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường và tiềm kiếm cơ hội đầu tư. Số liệu tổng kết thực hiện nghị quyết của Quốc hội cho thấy số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử tăng lên nhanh theo thời gian và đáng chú ý số lượng lớn đến từ các nước Âu, Mỹ, đây là thị trường du lịch mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho đất nước ta.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đánh giá, chính sách cấp thị thực điện tử đã làm thủ tục hành chính xuất, nhập cảnh trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài vào Việt Nam một cách dễ dàng; hợp với xu thế chung của khu vực; có thêm thời gian để hoàn chỉnh Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại điểu Quân đề nghị Chính phủ cần nâng cấp hệ thống thị thực điện tử để đảm bảo cho việc vận hành ổn định và thông suốt; đồng thời nghiên cứu, tiếp tục mở rộng và bổ sung các nước có công dân cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế để cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, triển khai mạnh mẽ, có phương án đa dạng hóa công tác tuyên truyền về chính sách cấp thị thực điện tử tới công dân các nước một cách rộng rãi. Đặc biệt, tiếp tục hoàn chỉnh Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, cùng với việc tiếp tục cho thí điểm, Bộ Công an phải bắt tay ngay vào việc sửa Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để kịp đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của năm 2019 và năm 2020 để sửa luật.

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng kết cho thấy phí thu được từ cấp thị thực điện tử là gần 200 tỷ đồng, nếu tiếp tục triển khai, số thu sẽ tăng thêm. Mặt khác, việc tiếp tục cấp thị thực sẽ thu hút hơn nữa khách du lịch đến Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chính phủ sẽ có quy định về các nước cấp thị thực, cân nhắc trên cơ sở cấp thận trọng, thực hiện từng bước, vừa đáp ứng yêu cầu đối ngoại, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201