Thứ Ba, 16/4/2024 - 18:43:16 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế

THỨ BẢY, 03/11/2018 08:25:00 | HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(BKTO) - Thay mặt Chính phủ thuyết minh về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước Quốc hội sáng 2/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam…

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo thuyết minh- Ảnh: quochoi.vn

Cơ hội tăng GDP và xuất khẩu

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đàm phán đạt được, về cơ bản, đã đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi Hiệp định hiệu quả, có lợi cho đất nước.

Đánh giá tác động của Hiệp định và các văn kiện liên quan với Việt Nam, Phó thủ tướng nêu rõ, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (GDP tăng thêm 2,01%). Ngoài ra, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030 trong bối cảnh các điều kiện kinh tế căn bản được giữ nguyên. Với giả định có sự tăng trưởng về năng suất, mức tăng GDP của Việt Nam khi có Hiệp định CPTPP có thể đạt 3,5%.

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo báo cáo nói trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.

Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Theo nghiên cứu nói trên của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo đánh giá của Chính phủ, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời giúp Việt Nam có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

Tham gia CPTPP còn tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, về mặt xã hội, sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000- 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày - Phó Thủ tướng cho biết.

Sức ép cạnh tranh sẽ không lớn

Nhìn nhận về những thách thức kinh tế khi tham gia CPTPP, Chính phủ cho rằng, do Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 7/10 nước thành viên Hiệp định CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước này.

Với 4 nhóm hàng nông nghiệp ta đang áp dụng hạn ngạch thuế quan thì việc tham gia CPTPP dự kiến không đem lại tác động đáng kể. Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Về thương mại dịch vụ và đầu tư, Chính phủ cho rằng, mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư sẽ chỉ làm tăng cạnh tranh thương mại, không ảnh hưởng tới quyền quản lý của Nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu công cộng, chính đáng. Vì vậy, không thể gây ra tác động bất lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của công dân cũng như thuần phong mỹ tục trong xã hội.

Đối với một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics… sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN trong nước nói chung.

Các lĩnh vực nhạy cảm nhất như đầu tư hạ tầng viễn thông, đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, truyền tải và phân phối điện, điện nguyên tử, khai khoáng, phân phối dược phẩm, xăng dầu... đều hoặc là không cho phép đầu tư, hoặc là bảo lưu quyền cấp phép hết sức chặt chẽ nên dự kiến sẽ không có tác động bất lợi.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động... Sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có nhưng sẽ vượt qua được. Vì những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (ví dụ như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), đã được 11 nước "tạm hoãn" sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Bên cạnh đó, nhiều cam kết tuy mới nhưng lại phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước (như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, DNNN, DN nhỏ và vừa...) nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn.

Đề cập đến thách thức về thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico và Peru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn.

Với thuế xuất khẩu, do ta giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có nguồn thu lớn như dầu thô và một số loại khoáng sản nên tác động giảm thu không lớn.

Ngoài ra, với những lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại, các DN trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể đóng góp nhiều hơn vào NSNN thông qua các khoản thu thuế nội địa như thuế thu nhập danh nghiệp… Điều này sẽ phần nào giúp cân bằng nguồn thu – chi cho ngân sách quốc gia.

Cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức

Thẩm tra Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn, đồng thời cho rằng mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tham gia thẩm tra cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, DN, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. Bản dự kiến kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP thiếu cụ thể, chưa phân công, xác định rõ trách nhiệm và tiến độ hoàn thành.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành tiếp tục Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với DN nhỏ và vừa, hộ nông dân nhằm giảm tác động rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, bổ sung đánh giá tác động đa chiều với các đối tác khác nhau, các đối tác cùng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.

Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định, đảm bảo khi hết thời hạn tạm hoãn, các nghĩa vụ cam kết được thực thi một cách đầy đủ, không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện….

N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201