Chủ Nhật, 5/5/2024 - 21:39:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tác động hai chiều của FDI đến nền kinh tế

THỨ NĂM, 16/04/2015 07:20:00 | HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(BKTO) - Sau gần 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trung bình mỗi năm Việt Nam giải ngân được khoảng 10 tỷ USD vốn FDI. Khu vực FDI đang đóng góp 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 15% vào NSNN. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của DN FDI đối với nền kinh tế đã chững lại, phát triển công nghiệp phụ trợ chưa được như mong đợi, chuyển giao công nghệ còn thấp...


Từ mức thu chỉ có 100 tỷ đồng khi tái lập tỉnh năm 1997, đến năm 2014 Vĩnh Phúc đã thu NSNN đạt 20.000 tỷ đồng nhờ thu hút đầu tư FDI. Trong ảnh là Nhà máy của Công ty TOYOTA Việt Nam tại Vĩnh Phúc Ảnh: T.K  
 
Tại Hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế quốc gia (NCIF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, các đại biểu đã thảo luận những tác động hai chiều của FDI đến nền kinh tế Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu một ví dụ điển hình về tác động tích cực của FDI: Tỉnh Vĩnh Phúc đã đột phá nhờ FDI. Trước đây, khi tách khỏi tỉnh Vĩnh Phú, thu ngân sách của tỉnh này chỉ là 100 tỷ đồng, nhưng đến năm 2014 con số này đã là 20.000 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã có sự phát triển đột phá nhờ có Samsung, Canon, Nokia và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh hơn Hà Nội.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận: Khu vực FDI đang đóng góp 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 65% giá trị xuất khẩu, 15% vào NSNN nhưng đóng góp đó chưa phải là cao. Đến nay tác động lan tỏa của DN FDI đối với nền kinh tế đã chững lại do khả năng hấp thụ vốn FDI hạn chế, chậm phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ cấu đầu tư chưa cân đối, chuyển giao công nghệ còn thấp...

Kết quả khảo sát của NCIF cho thấy, dù FDI có nhiều tác động tích cực, nhưng tình trạng DN FDI độc quyền, o bế trong một số ngành như kinh doanh đồ uống, thức ăn chăn nuôi… làm méo mó thị trường đang tăng lên. Số lượng DN trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất của DN nước ngoài chưa nhiều, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Công ty TNHH Canon Việt Nam trong gần 15 năm hoạt động tại Việt Nam mới chỉ đạt được mức nội địa hóa 60% và trong số gần 100 công ty cung cấp linh kiện cho Canon thì chỉ có 10% DN Việt Nam. Điều này cho thấy khoảng cách giữa thực tiễn và mục tiêu trong thu hút FDI để phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn rất xa. Thậm chí DN FDI chi phối ngày càng rõ nét trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nhất là xuất nhập khẩu.

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam đang thiếu vắng DN quy mô vừa và DN Việt Nam ngày càng “li ti” hơn. Trong thời gian tới, chắc chắn DNNN sẽ thu hẹp. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ trông vào khu vực DN tư nhân trong nước và DN FDI. Rõ ràng, sự nhỏ đi, yếu đi của DN tư nhân trong nước đang là câu chuyện lớn khi đánh giá tác động của FDI tới nền kinh tế Việt Nam. Khi hội nhập ngày càng sâu rộng, thách thức với các DN Việt Nam là làm sao để có thể tham gia mạng lưới sản xuất của khu vực và toàn cầu do các công ty đa quốc gia chi phối. Để tham gia được chuỗi giá trị này, DN Việt Nam phải phá vỡ được những mắt xích hiện có để thay thế.

Ông Vũ Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẳng thắn: Nhìn vào năng lực của DN Việt Nam, nếu không có chính sách thúc đẩy các DN lớn lựa chọn DN trong nước làm nhà cung cấp thì cơ hội để DN FDI tạo nên các tác động lan tỏa tích cực hơn cũng rất mờ mịt.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng cho rằng: Thực tế này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời cần có những cơ chế thu hút DN FDI, gắn liền việc ưu đãi DN FDI với hoạt động chuyển giao công nghệ, lôi cuốn các DN nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Giải quyết tình trạng này là nhiệm vụ của chúng tôi. Có lẽ phải xây dựng chính sách phân kỳ để các DN FDI chuyển giao công nghệ, rồi tiếp theo là chuyển giao đi kèm với nghiên cứu phát triển…” - Ông Hùng nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang thực hiện giải pháp để yêu cầu DN FDI nâng cao vai trò, trách nhiệm trong kết nối, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho DN trong nước để đáp ứng được các yêu cầu của các mạng lưới sản xuất hiện đại. Từ đó hình thành các cụm ngành công nghiệp theo từng lĩnh vực để phát huy tác động lan tỏa tích cực của khu vực FDI tới nền kinh tế nội địa.

 THÙY ANH



 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201