(BKTO) - Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt công trình, dự án hoàn thành đã đi vào khai thác phục vụ đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết đạt khoảng 20 - 25 tỷ USD và giải ngân đạt khoảng 25 - 30 tỷ USD. Tuy nhiên, trước những bất cập, hạn chế phát sinh, Chính phủ đang định hướng lại việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp với tình hình mới.
Nhiều bất cập trong chính sách hiện hành
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA những năm qua đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí để thất thoát, lãng phí và tham nhũng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và uy tín của Việt Nam. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như: công tác xây dựng, phê duyệt chương trình, dự án của các Bộ, ngành và địa phương còn chậm trễ, chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư…
Góp phần chấn chỉnh thực trạng này từ góc độ chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Sau hơn 2 năm triển khai, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP đã thiết lập cơ sở pháp lý phù hợp giữa quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài với quản lý vốn đầu tư công, song cũng cần điều chỉnh, sửa đổi nhiều nội dung. Theo đó, các nguyên tắc, lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi cần được điều chỉnh trong bối cảnh các nguồn vốn này ngày càng giảm dần, trong khi vốn vay với điều kiện kém ưu đãi chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Việc cập nhật các nội dung ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng chưa được thực hiện tốt.
Hơn nữa, quy trình tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án hợp tác khu vực sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại còn phức tạp, phải qua nhiều bước dẫn đến một số trường hợp bị lỡ cơ hội tiếp nhận nguồn vốn. Các quy định của Luật Đầu tư công đối với việc lập kế hoạch đầu tư vốn ODA và vay ưu đãi chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn tới sự lúng túng và thiếu thống nhất trong áp dụng.
Bên cạnh đó, quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, mô hình ban quản lý dự án cần điều chỉnh phù hợp với pháp luật và thực tiễn quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về quản lý tài chính, giải ngân, thanh quyết toán nguồn vốn ODA và vốn đối ứng các chương trình, dự án để đảm bảo không phát sinh các thủ tục hành chính mới theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đảm bảo tính thực thi của chính sách
Theo Bộ KH&ĐT, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP đề xuất sửa đổi 27 Điều và 3 Phụ lục, bổ sung 2 Chương và 4 Điều, bãi bỏ 5 Điều và 2 Phụ lục, thay thế 1 Phụ lục, trong đó bao quát toàn bộ quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để có thể thực thi ngay.
Dự thảo Nghị định quy định, lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi là các công trình hạ tầng kinh tế quan trọng, có tác dụng lan tỏa, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, tận dụng cơ hội và đối phó thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, phát triển đô thị thông minh, thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn này còn dành cho các dự án có tính chất phục vụ lợi ích công cộng và có đối tượng hưởng lợi lớn như: dự án hạ tầng xã hội, giải quyết ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường, phòng, chống rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án có yếu tố đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức, công nghệ...
Nguyên tắc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cũng được xác định cụ thể trong Dự thảo Nghị định. Theo đó, vốn vay ODA được ưu tiên cho các dự án phục vụ lợi ích công cộng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Vốn vay ưu đãi được ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có khả năng tạo ra nguồn thu để trả nợ, các dự án vay về để cho vay lại.
Chính phủ sẽ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý của Bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Dự thảo Nghị định cũng quan tâm đặc biệt đến nội dung phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm.
H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 28-6-2018