Thứ Hai, 29/4/2024 - 15:29:42 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Những tiến bộ của WTO tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp

THỨ NĂM, 21/04/2016 08:55:00 | HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(BKTO) - Những mặt tích cực, tiêu cực từ hội nhập WTO đã được các chuyên gia phân tích, đồng thời những lời khuyên hữu ích, những cam kết hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần đầu tiên của một Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO).


 

Hội nhập WTO dưới góc nhìn tiêu cực và tích cực

Trên “chuyến tàu” WTO, đã có rất nhiều kỳ vọng về cơ hội của Việt Nam bị bỏ lỡ - TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ và phân tích, trước hết là cơ hội tăng trưởng của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng. Tăng trưởng GDP 5 năm 2006-2010 đạt 7%, 2011-2015 là 5,88%. Mức tăng trưởng này dù là cao so với thế giới nhưng rõ ràng là thấp hơn so với chính Việt Nam thời kỳ hội nhập hạn chế hơn trước đó (giai đoạn 1996-2000 là 7%, giai đoạn 2001-2005 là 7,51%). Nền nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, tăng trưởng bình quân của khu vực nông nghiệp năm 2007-2011 là 3,4%/năm, 2011-2015 là 3,1%, thậm chí năm 2015 mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ là 2,21%, trong khi giai đoạn 2001-2006 (trước khi ký WTO) là 4%. Cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề khi mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, nhập siêu lớn và tăng mạnh trong thời kỳ sau WTO.

Tuy nhiên, người đứng đầu VCCI thừa nhận: WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp luật, thể chế chính sách về kinh tế thương mại đầu tư cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Gia nhập WTO là động lực để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường. Kết quả là pháp luật kinh doanh ở Việt Nam đã có một diện mạo mới cùng với những thay đổi về chất nhờ WTO.

Dưới góc nhìn khá tích cực của ông Roberto Azevedo - Tổng giám đốc WTO thì hội nhập giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới trong việc áp dụng các khuôn khổ đầu tư, phát triển quốc tế. Hiện Việt Nam là 1 trong 35 nước xuất khẩu nhiều trên thế giới và có khả năng ứng phó với khủng hoảng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam là 10 nền kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian tới. Vì thế, chúng ta cùng nhìn vào tương lai và coi thương mại là một nhân tố quan trọng để giảm nghèo đói.

Ông Roberto Azevedo cho biết, WTO hiện đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là sau Hội nghị tại Nairobi với quyết định quan trọng là dỡ bỏ bao cấp trong nông nghiệp. Điều này sẽ tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho cả Việt Nam và các quốc gia khác. Nông dân Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn và có lợi nhuận nhiều hơn. Bên cạnh đó, những thỏa thuận về sản phẩm công nghệ thông tin cũng sẽ giúp cho các ngành sản xuất của Việt Nam phát triển, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng củng cố vị thế trong lĩnh vực điện thoại, máy tính, công nghệ thông tin.

Kỳ vọng vào những tiến bộ của WTO

Ông Roberto Azevedo nhận định, những tiến bộ của WTO cùng với chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp cho DN nhỏ và vừa Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn. Việt Nam đã được hưởng lợi 3,6 tỷ USD từ các hoạt động hỗ trợ của WTO và WTO sẽ hỗ trợ cho Việt Nam đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong những năm tới đây. WTO sẽ thúc đẩy tiến trình thay đổi, cải cách của Việt Nam để có môi trường kinh doanh ngày càng phù hợp hơn.

Đối thoại với cộng đồng DN Việt Nam, ông Roberto Azevedo đã thẳng thắn trả lời, giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến việc WTO xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp, tình hình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cách thức tháo gỡ khó khăn của một số ngành xuất khẩu…

Đối với các DN nhỏ và vừa có nguồn vốn và năng lực hạn chế, ông Azevedo cho rằng nếu muốn cạnh tranh, chỉ có thể cạnh tranh về mặt giá cả. Trên thực tế, việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đang gặp những thách thức như: quan liêu, chi phí về hậu cần, tài trợ và nguồn vốn. Thương mại quốc tế đòi hỏi phải giải quyết được những vấn đề này, trong khi các DN nhỏ và vừa lại khó có điều kiện tiếp cận. Vì thế, WTO sẽ hỗ trợ các DN nhỏ và vừa.

Theo thông báo của ông Roberto Azevedo, WTO đang chuẩn bị cho một chương trình nghị sự phát triển trong thời gian tới và Việt Nam sẽ là một trong những bên quan trọng đối với chương trình nghị sự này. WTO đang tìm cách thúc đẩy đàm phán về các vấn đề còn tồn đọng của Vòng đàm phán Doha liên quan đến thương mại điện tử, DN vừa và nhỏ, tạo thuận lợi cho đầu tư. Việt Nam có thể xem xét thảo luận những vấn đề này tại WTO để tiếp tục các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Trong buổi hội đàm với Tổng giám đốc WTO, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (TFA), Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn tất nghiên cứu khả năng phê chuẩn Nghị định thư TRIPS sửa đổi (về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) và đang hoàn tất các thủ tục để có thể trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong thời gian tới.

HỒNG THOAN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201