Thứ Bảy, 27/4/2024 - 04:41:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quản lý, sử dụng tài sản công tại các trường đại học tự chủ: Cởi trói quy định, song cần tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí

THỨ BA, 15/12/2020 09:35:00 | HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN
(BKTO) - Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng được đặt ra ngày càng mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các cơ sở GDĐH cần được đảm bảo quyền tự chủ nhiều hơn, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng tài sản được giao cũng như tài sản của trường hình thành trong quá trình hoạt động.


Các cơ sở GDĐH cần được đảm bảo quyền tự chủ nhiều hơn​

Tự chủ đại học phải đi liền với tự chủ trong quản lý, sử dụng tài sản

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2018, các trường ĐH tự chủ được đưa tài sản công vào liên doanh, liên kết nếu như những tài sản đó không sử dụng hết cho mục đích, hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhiều vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các trường ĐH đang được đặt ra và cần tháo gỡ. Tại Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã đưa ra những nhận định, đánh giá làm sáng tỏ một số vấn đề.

Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện chính sách tự chủ GDĐH, công tác quản lý, sử dụng tài sản công bước đầu được nhiều trường thực hiện thông qua khai thác nguồn lực từ chính tài sản được giao để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các hoạt động GD&ĐT đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội. Từ cách thức này, các trường đã thu hút ngày càng nhiều sinh viên theo học.

Dưới góc nhìn của KTNN, trong công tác quản lý, sử dụng tài sản của các trường tự chủ, liên doanh, liên kết là cách thu hút tương đối mạnh mẽ và hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học trong xu thế giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn NSNN cấp. Kết quả kiểm toán cho thấy, về cơ bản, các đơn vị quản lý, sử dụng tài sản theo quy định, các hạng mục sửa chữa, gói thầu mua sắm trang thiết bị được bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo đúng mục đích. 

Về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, tài sản trường được Nhà nước giao quản lý, thì cơ bản vẫn thuộc về Nhà nước, song có cơ chế đặc thù. Dẫn ví dụ, ông Đặng Văn Định (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là minh chứng điển hình trong việc phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công. Theo ông Định, từ nguồn tài sản ban đầu được giao, thuê, cơ sở này đã phát triển thành khối tài sản rất lớn để phục vụ chính hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và trở thành một trong những cơ sở GDĐH có chất lượng hàng đầu cả nước, có uy tín với quốc tế. Bên cạnh đó, ông Định cũng cho rằng, trong bối cảnh các trường đang đẩy mạnh tự chủ, đối với vấn đề tài sản của trường, ngoài tài sản hữu hình, cần phải xác định cả nguồn tài sản trí tuệ. Bởi lẽ, khi quy đổi giá trị, việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản thế nào, nay vẫn còn nhiều tranh cãi. 

Dẫn câu chuyện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ký hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cung cấp mặt bằng nhưng không thu tiền để đặt các trung tâm khởi nghiệp tại Trường mới đây, Phó Hiệu trưởng Hoàng Văn Cường cho rằng, việc hợp tác này là cần thiết. Bởi lẽ, trong bối cảnh thực hiện tự chủ, các cơ sở GDĐH còn thiếu nguồn lực nhưng lại có quỹ đất rộng, nhiều tài sản có thể liên doanh, liên kết để đổi lấy cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại hơn, giúp cho công tác tự chủ của đơn vị thuận lợi hơn.“Đây chính là cách khai thác hiệu quả nhất tài sản công tại các trường tự chủ, vừa đưa đến giá trị thương hiệu cho nhà trường vừa giữ đúng tôn chỉ mục đích là nơi GD&ĐT” - ông Cường cho biết. 

Phát huy hiệu quả khai thác, tránh nguy cơ thất thoát tài sản

Bên cạnh một số cơ sở GDĐH thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác tài sản vào phục vụ hoạt động đào tạo, thì nhiều cơ sở khác đã “vượt rào” quy định khi liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, sự bất cập trong các quy định quản lý nhà nước hiện hành đối với việc giao quyền tự chủ quản lý, sử dụng tài sản tại các cơ sở GDĐH cũng trở thành rào cản, gây khó khăn cho các trường trong thực hiện quyền tự chủ. 

Thông tin bên lề Hội thảo, đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chưa có các hướng dẫn cụ thể nên dễ dẫn đến tình trạng nhiều trường sử dụng đất, tài sản đầu tư ngoài ngành không phù hợp với mục tiêu phát triển GDĐH khi tham gia liên doanh, liên kết, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công. 

Cụ thể, kết quả kiểm toán đối với chuyên đề tự chủ tại các trường ĐH công lập giai đoạn 2016-2018 cho thấy tình trạng liên doanh, liên kết ồ ạt với khu vực tư thiếu sự kiểm soát hợp lý của cấp có thẩm quyền. Tại một số đơn vị chưa đảm bảo điều kiện về vật chất, chủ yếu đi thuê cơ sở làm tăng gánh nặng chi phí cho người học; một số trường được giao đất và đã đầu tư cơ sở vật chất song tuyển sinh không đủ sinh viên, dẫn đến tài sản sử dụng không hiệu quả; có tình trạng cơ sở GDĐH sử dụng tài sản cho thuê chưa đúng mục đích, trái với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Từ những phát hiện qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành T.Ư chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện và quản lý tài sản theo đúng quy định. 

Xuất phát từ độ “vênh” của quy định với thực tiễn triển khai, đại biểu Lê Thị Thúy Hà (Học viện Ngân hàng) cho rằng, nhiều cơ sở GDĐH chỉ dè dặt khai thác tài sản công dưới hình thức tận dụng cơ sở vật chất, chứ chưa mạnh dạn liên doanh, liên kết. Bởi, để thực hiện liên kết, các cơ sở GDĐH phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy định của pháp luật. Các cơ sở GDĐH phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết và phải được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản. Trong khi trên thực tế, các cơ quan chủ quản thường không đồng ý do lo ngại trách nhiệm trong quản lý tài sản công. Vì vậy, các cơ quan chủ quản cần tiến hành giao tài sản cho các trường để các trường có thể chủ động trong việc liên doanh, liên kết, góp vốn với các tổ chức khác. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cần cho phép các trường được tự chủ hơn nữa về quản lý và sử dụng tài sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản. Các trường có thể hoạt động như một DN, thực hiện hoạt động kinh doanh gắn với ngành nghề đào tạo và phù hợp với năng lực của mỗi trường, từ đó sử dụng có hiệu quả nguồn lực của trường để gia tăng nguồn thu, đảm bảo các chương trình đào tạo luôn được cải tiến phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Ủng hộ việc cần có quy định cụ thể, rõ ràng cho các trường tự chủ được thực hiện cho thuê, liên kết tài sản, song Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Cơ sở GDĐH là nơi học tập và rèn luyện, nên lợi ích của người học phải được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, hiện nay, nguồn tài sản công của các trường chưa phải quá dư thừa để tính liên kết kinh doanh. Chưa kể, việc quá sa đà vào việc kinh doanh có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu chính của trường là đào tạo, cũng như tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn giảng viên về kiểm toán hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với CAAF

Tập huấn giảng viên về kiểm toán hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với CAAF

(BKTO) - Trong 03 ngày 28, 31/10 và 01/11 tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam phối hợp với Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) tổ chức khóa đào tạo dành cho đội ngũ giảng viên về kiểm toán hoạt động (KTHĐ) trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa KTNN Việt Nam và CAAF.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201