(BKTO) - Định hướng xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn nêu rõ, tổng số nhiệm vụ kiểm toán sẽ không tăng so với năm 2022, đồng thời phải tăng cường các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tăng tỷ trọng các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường…
|
Tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2023 của KTNN sẽ không tăng so với năm trước. Ảnh: Tư liệu
|
Song song với đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Dựa vào những định hướng trên, tính đến cuối tháng 9/2022, KTNN đã xây dựng KHKT năm 2023 gồm 139 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 39 nhiệm vụ so với KHKT năm 2022.
Theo đó, KTNN dự kiến thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách của 15 Bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán của 31 Bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 76%). Cụ thể, KTNN sẽ kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 16 Bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán năm 2022 tại 15 Bộ, cơ quan trung ương.
Đồng thời, KTNN sẽ kiểm toán tại 59 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2022 và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2022 tại 19 địa phương, kiểm toán NSĐP tại 7 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2022 của 33 địa phương. Qua đó, KTNN sẽ kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP của 52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt tỷ lệ 83%).
Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động, dự kiến sẽ có 10 chủ đề kiểm toán, tập trung vào các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định cư dân, phát triển kinh tế - xã hội…
Trong lĩnh vực kiểm toán chuyên đề, có 25 chuyên đề được lựa chọn, trong đó có một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán quy mô lớn, phạm vi rộng. Đáng chú ý như kiểm toán các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế.
Một số cuộc kiểm toán chuyên đề dự kiến được thực hiện trong năm 2023: “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”; “Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích”; “Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm” và “Chương trình hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”. |
Đồng thời, KHKT năm 2023 của KTNN cũng duy trì việc kiểm toán 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023 đối với chủ đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, để đánh giá các tồn tại, hạn chế, bất cập, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với kinh phí chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ, KTNN sẽ kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022”.
Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” cũng được KTNN đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm đưa ra các kiến nghị chấn chỉnh kịp thời, phù hợp để phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ, phục vụ tốt cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
KTNN cũng sẽ kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022”.
Ngoài ra, KTNN dự kiến lựa chọn các chủ đề kiểm toán gắn với chức năng quản lý nhà nước, lĩnh vực chuyên ngành của các Bộ, cơ quan trung ương; các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề được quan tâm tại địa phương, phục vụ Hội đồng nhân dân giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Cụ thể như việc quản lý, bảo vệ môi trường; công tác quy hoạch rừng; xử lý bù giá xăng dầu; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tại một số địa phương…
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, KTNN có kế hoạch thực hiện 26 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…
Liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN lựa chọn thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm kiểm toán Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 05 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Cùng với đó, KTNN dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng và 05 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh và khối cơ quan Đảng.
KTNN xây dựng KHKT hằng năm nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./. |
QUỲNH ANH