Thứ Năm, 02/5/2024 - 14:05:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

KTNN tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm quản lý nợ công” tại CHDCND Lào

THỨ NĂM, 29/09/2016 08:00:00 | HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO KTNN
(BKTO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm nước CHDCND Lào của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, sáng 27/9 tại thủ đô Vientiane, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã phối hợp tổ chức Hội thảo về "Kinh nghiệm quản lý nợ công". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đồng chủ trì Hội thảo. Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã có bài tham luận quan trọng tại Hội thảo.


Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Các thành viên khác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội thảo bao gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cho rằng, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nợ công đang là thách thức lớn của toàn cầu. Đây là dịp để đại biểu Lào và Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc quản lý nợ công, cùng phân tích tình hình, các nhân tố bên trong - bên ngoài; đề xuất các giải pháp một cách đồng bộ và đầy đủ, từ đó có những kiến nghị về tài chính, ngoại tệ… đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội Lào tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Kinh nghiệm quản lý nợ công”. Hội thảo này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước trong quản lý kinh tế và là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào. Để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ các nước cần có chiến lược kiểm soát đầu tư trong khu vực công, giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát được nợ vay nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực DNNN. Các nhân tố như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia cần được kiểm soát tốt. Việc quản lý hiệu quả nợ công cần có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan dưới sự điều hành chung của Chính phủ và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.  

Trình bày tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho rằng, đối với mỗi quốc gia trên thế giới, nợ công vừa là một công cụ kinh tế vĩ mô thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, vừa là một trong những thước đo quan trọng giúp phản ánh thực trạng tài chính và tính bền vững trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, quản lý nợ công đã được Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra như một vấn đề trọng yếu trong quản lý tài chính - ngân sách quốc gia. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều giải pháp, biện pháp quan trọng để tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm quản lý nợ công một cách hiệu quả, bền vững, an toàn; theo đó, nhiều chính sách, quy định quản lý đã được xây dựng và triển khai thực hiện, từ Luật Quản lý nợ công đến các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, vấn đề đặt ra đối với nợ công là việc không chỉ quan tâm tới việc thu hút nguồn lực mà quan trọng hơn là phải tập trung quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ nợ công, tạo đà cho phát triển kinh tế đất nước. Việc quản lý nợ công cũng cần đặt trong bối cảnh của sự cân bằng và đảm bảo an ninh tài chính của quốc gia, cần phải luôn có sự đánh giá các rủi ro phát sinh từ các khoản nợ công để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra. “Với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính công của Quốc hội, do Quốc hội thành lập, KTNN Việt Nam có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với cơ quan được giao quản lý, sử dụng nợ công. Vì vậy, kiểm toán việc quản lý và sử dụng nợ công là một nhiệm vụ tất yếu và rất quan trọng trong hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam” - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết. Tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chia sẻ kinh nghiệm đối với kiểm toán nợ công ở Việt Nam, bao gồm: Nâng cao năng lực của cơ quan KTNN và hoàn thiện nội dung, phương pháp kiểm toán nợ công; đồng thời trao đổi về các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng kiểm toán nợ công.

Kết thúc bài tham luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước một lần nữa nhấn mạnh, nợ công chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Việc quản lý nợ công một cách hiệu quả, có hệ thống đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn về tài chính, cũng như tính bền vững trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Kiểm toán nợ công chính là một công cụ trọng yếu trong việc hỗ trợ giám sát và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nợ công. KTNN Việt Nam và KTNN Lào cần xác định rõ thách thức, cũng như vai trò, trách nhiệm trong nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nợ công. Để thực hiện tốt vai trò kiểm toán nợ công, KTNN cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, phối kết hợp từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và cơ quan hữu quan trong quyết tâm đẩy mạnh công tác kiểm toán nợ công cho phù hợp với vai trò và vị thế của một hoạt động kiểm soát tài chính - ngân sách quốc gia thường niên.

NGỌC BÍCH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201