Thứ Sáu, 29/3/2024 - 17:09:56 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động ngân sách cấp huyện

THỨ TƯ, 15/01/2020 19:49:02 | HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO KTNN
(BKTO) - Ngày 15/1, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên KTNN đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kiểm toán hoạt động ngân sách cấp huyện: Trao đổi về kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn khi kiểm toán và đề xuất thay đổi”. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, việc đẩy mạnh mô hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ) để kiểm tra, đán giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý tài chính công, tài sản công, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng và chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những mục tiêu trọng tâm để nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN.
 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Tọa đàm


Trên cơ sở đó, những năm qua, một trong những chủ đề kiểm toán thường xuyên được KTNN đưa vào Kế hoạch kiểm toán năm là KTHĐ quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện. Các cuộc kiểm toán bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, song đây là loại hình mới nên việc xây dựng mục tiêu kiểm toán cụ thể và các tiêu chí kiểm toán còn gặp khó khăn, kéo theo đó là những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tổng hợp kết quả 35 cuộc KTHĐ ngân sách cấp huyện của Ngành trong giai đoạn 2016-2019, Phó Trưởng phòng KTHĐ Vụ Tổng hợp Hán Thị Bích Hồng cho biết, kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số địa phương lập dự toán chưa xem xét đến tính bền vững của nguồn thu, cơ cấu thu chưa hợp lý, chủ yếu dựa vào tiền thu sử dụng đất. Hầu hết các địa phương được kiểm toán đều có số nợ thuế cao; một số địa phương còn chậm xác định đơn giá thuê đất hoặc xác định sai diện tích, đơn giá, thời gian thuê đất; ban hành quy định thu, nộp phí không đúng thẩm quyền, không đúng danh mục...

Trong công tác chi thường xuyên, một số địa phương phân bổ và giao dự toán vượt chỉ tiêu biên chế tỉnh giao, giao biên chế thuộc khối giáo dục cao hơn định mức. Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, một số địa phương chưa lập kế hoạch đầu tư trung hạn; lập kế hoạch vốn chủ yếu dựa trên nguồn thu từ đất trong khi nguồn thu này không ổn định; việc theo dõi nợ đọng và thực hiện các giải pháp xử lý dứt điểm nợ đọng còn nhiều tồn tại, hạn chế...
 

Quang cảnh Tọa đàm


Qua kiểm toán, KTNN đã có những đánh giá, nhận xét, chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện như trên cùng các kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện, góp phần tiết kiệm các nguồn lực tài chính đồng thời, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Tổng hợp cho rằng, hiện đa số các cuộc KTHĐ quản lý ngân sách cấp huyện thường được tổ chức lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương dẫn tới việc KTHĐ đối với một cấp ngân sách vẫn chủ yếu xoay quanh hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách hàng năm, chưa tập trung, chú trọng các chủ đề mang tính thời sự được xã hội quan tâm. Chính vì vậy, mức độ mức độ ảnh hưởng đối với các kết luận, kiến nghị qua các cuộc kiểm toán là không lớn.

Đại diện KTNN khu vực IV cho rằng, một trong những bước quan trọng để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực là thiết lập các tiêu chí đánh giá tại thời điểm khảo sát, xây dựng KHKT và có được sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán. Để làm được điều này, đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải có được hệ thống thông tin và kiến thức chuyên môn vững chắc.

Theo đề xuất của KTNN khu vực V, chỉ nên KTHĐ ngân sách cấp huyện đối với một số lĩnh vực cụ thể theo giai đoạn. Đồng thời, KTNN cần ban hành công văn hướng dẫn những thông tin cần thu thập, cách thức đánh giá trọng tâm và rủi ro kiểm toán. Tùy vào thực tế của đơn vị được khảo sát mà Tổ khảo sát tự xác định những tiêu chí kiểm toán phù hợp; xây dựng và ban hành sổ tay KTHĐ để các KTV có thể tiếp cận nhanh công việc.

Đồng quan điểm việc tổ chức KTHĐ cần đánh giá theo từng giai đoạn, Trưởng phòng KTHĐ KTNN khu vực I Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, cần xác định rõ các mục tiêu cụ thể trên từng khâu của chu trình ngân sách làm cơ sở cho tổ chức thực hiện triển khai các nội dung cũng như xây dựng các tiêu chí kiểm toán.

Từ năm 2016 đến nay, KTNN khu vực I đã thực hiện 07 cuộc KTHĐ và đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong quá trình thực hiện cũng gặp phải nhiều bất cập, vướng mắc, cả trong giai đoạn lập kế hoạch cũng như giai đoạn triển khai thực hiện. Do đó, cần thiết phải khắc phục những hạn chế trong cách thức lựa chọn chủ đề kiểm toán; phương thức tổ chức kiểm toán; kỹ thuật xây dựng tiêu chí kiểm toán; tính đa dạng và linh hoạt của các phương pháp kiểm toán; đặc thù về kết luận, kiến nghị trong KTHĐ.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả KTHĐ ngân sách cấp huyện, đại diện Vụ Tổng hợp cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là xác định mục tiêu kiểm toán và chọn được chủ đề kiểm toán phù hợp, thiết thực.

Theo PGS,TS Đinh Trọng Hanh - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X, cần phải hoàn thiện tổ chức chương trình KTHĐ ngân sách cấp huyện thông qua việc xác định rõ mục đích chương trình kiểm toán, mô hình tổ chức; mục tiêu của từng cuộc kiểm toán, phương pháp tiếp cận, lựa chọn đơn vị được kiểm toán theo nhóm đặc thù, xác định đối tượng kiểm toán và phạm vi cuộc kiểm toán; hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá một cách cụ thể, có thể đo đếm được làm cơ sở cho kết quả kiểm toán có thể phân loại, tổng hợp được.
 

PGS,TS Đinh Trọng Hanh, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X phát biểu tại Tọa đàm


Kết luận Tọa đàm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Đình Thăng nhấn mạnh, kết quả KTHĐ ngân sách cấp huyện mà KTNN thực hiện trong thời gian qua đã có một số phát hiện nhất định, tuy nhiên những phát hiện còn mang tính chất đơn lẻ.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu tham dự Tọa đàm, ông Lê Đình Thăng khẳng định, trong KTHĐ, lựa chọn chủ đề kiểm toán là quan trọng nhất. Chủ đề kiểm toán phù hợp phải xuất phát từ ý tưởng kiểm toán được hình thành trên cơ sở của kinh nghiệm thực tiễn, ghi chép của kiểm toán viên từ những cuộc kiểm toán đã trải qua. Do KTHĐ đánh giá tính bền vững của ngân sách cấp huyện, nên cần thiết phải đánh giá cả một giai đoạn thực hiện quản lý, sử dụng ngân sách.
 

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Đình Thăng kết luận Tọa đàm


Sau những kinh nghiệm đúc rút, toàn Ngành cần phải nghiên cứu để có cách thức tiếp cận mới với KTHĐ ngân sách cấp huyện. Đi vào mỗi cuộc kiểm toán cụ thể, cần phải lựa chọn một vấn đề chuyên sâu hơn nằm trong khuôn khổ vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện. Đồng thời, cần xây dựng các tiêu chí, chỉ số đánh giá rõ ràng, phù hợp với đặc thù của từng huyện.

Đặc biệt, cần có định hướng chung của toàn Ngành để các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực triển khai KTHĐ ngân sách cấp huyện, để sau 5 năm toàn Ngành cùng rút ra được một số vấn đề lớn và đưa ra kiến nghị.

Bài và ảnh: H.THOAN - L.HÒA 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201