Thứ Năm, 02/5/2024 - 15:59:27 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phát huy nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo

THỨ TƯ, 02/06/2021 21:20:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các Bộ, ngành liên quan đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học (ĐH), thực hiện các giải pháp đề nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH. Cùng với vấn đề tự chủ về tài chính, hoạt động đào tạo - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục ĐH cần phải được chú trọng, quan tâm hơn.

Phát huy nội lực, nâng cao chất lượng đào tạo

Thực tế cho thấy, quy mô đào tạo của các trường trong thời gian qua ngày càng tăng, trong khi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo,… chưa được cải thiện nhiều. Sinh viên được đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của xã hội nên khi ra trường, các DN tuyển dụng sinh viên phải đào tạo lại. Điều này gây lãng phí về thời gian và vật chất của sinh viên và xã hội. Một trong những nguyên nhân trực tiếp đưa đến hệ quả này, đó là chất lượng hoạt động đào tạo tại các trường chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
 

Các trường cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua việc đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật ngành nghề đào tạo theo xu hướng của thị trường. 


Hoạt động đào tạo của trường ĐH bao gồm rất nhiều các mảng nội dung liên quan như: công tác tuyển sinh; ngành và chuyên ngành đào tạo; chương trình đào tạo; giáo trình và học liệu; phương pháp giảng dạy; các công cụ và phương tiện phục vụ… Các trường cần được trao quyền và thực hiện quyền tự chủ nhiều hơn trên tất cả các nội dung này.

Theo ThS. Đặng Chung Kiên (Trường ĐH Tài chính-Marketing), việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo cần được các trường chủ động hơn, trên cơ sở điều kiện nguồn lực của nhà trường. Mỗi trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho công tác đào tạo của mình, chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo của mình trước xã hội, trước thị trường lao động. "Khi đã thực hiện cơ chế tự chủ, sản phẩm đào tạo phải được xã hội và thị trường chấp thuận. Nếu trường không đảm bảo các yêu cầu này thì rất khó để phát triển” - ông Kiên cho biết.

Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, có 3 trụ cột chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mà các trường cần tập trung bám sát, đó là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Đặc biệt, đối với chương trình đào tạo, trên cơ sở chương trình khung do Bộ GD&ĐT ban hành áp dụng cho các khối ngành thì các trường cần chủ động thiết kế chương trình đào tạo cho mình; trong đó cần linh hoạt vận dụng, thiết kế và xây dựng chương trình sao cho sản phẩm đào tạo có thể thích ứng tốt với yêu cầu thực tế. Hiện nay, nhiều trường ĐH đang thực hiện các chương trình đào tạo liên kết với các tổ chức giáo dục, các chủ thể hoạt động có chức năng liên quan để đào tạo các chương trình quốc tế, chương trình liên kết… Theo bà Thủy, đây chính là hướng đi các trường cần đẩy mạnh thực hiện. 

Nếu như với vấn đề tài chính, yêu cầu tự chủ được đặt ra khó khăn hơn, do vướng nhiều quy định pháp luật có liên quan, thì hoạt động đào tạo phần nào các trường được tự quyết nhiều hơn. Do đó, các trường phải năng động, tích cực và nhạy bén trong việc tìm kiếm các đơn vị đối tác phù hợp, thiết kế các chương trình đào tạo mang tính liên thông cao thông qua cập nhật các chương trình tại các quốc gia có nền giáo dục ĐH phát triển mạnh…

Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường được tự chủ trong đào tạo

Cũng giống như nhiều mặt tự chủ khác, hoạt động đào tạo của các trường để đạt được hiệu quả cao nhất, đòi hỏi phải có đủ nguồn lực hỗ trợ, bên cạnh nỗ lực tự thân của nhà trường. Theo đó, để tạo nguồn lực tổng hợp cho các trường phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản của các trường phải thực sự vào cuộc hỗ trợ các trường với tinh thần, trách nhiệm cao hơn.

Theo đó, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các trường ĐH tự chủ trong việc đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp để tuyển sinh, mở ngành đào tạo đáp ứng biến động của thị trường lao động trên cơ sở bảo đảm chất lượng, quy mô đào tạo tương xứng với năng lực và điều kiện của đơn vị.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo thay vì quản lý thông qua chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đầu vào.
 

Các trường cần được trao quyền tự chủ cao hơn, từ việc nâng cấp cơ sở vật chất, đến đổi mới chương trình... Trong ảnh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với nhiều nỗ lực thực hiện tự chủ, song hệ thống cơ sở vật chất còn hạn chế. 


Đồng thời, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo và đánh giá quy trình bảo đảm chất lượng thay cho việc áp đặt tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể nhằm tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo thông qua yêu cầu công khai hóa chuẩn năng lực đầu ra, năng lực và điều kiện bảo đảm chất lượng của trường làm căn cứ để xã hội và các bên có lợi ích liên quan thực hiện việc giám sát của mình.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cần khuyến khích các cơ sở đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học cũng như thị trường lao động thông qua việc cho phép thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao, DN trong trường ĐH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo của cơ quan độc lập cũng như có chế tài đủ mạnh đối với những trường không bảo đảm chất lượng đào tạo.

Cơ quan chủ quản của các cơ sở đào tạo ĐH cũng cần tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các trường trong hoạt động đào tạo, mạnh dạn trao quyền tự chủ một cách thực chất cho các trường trong hoạt động này, để trường chủ động xây dựng các phương án đào tạo dựa trên quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các quy định về cơ chế quản lý trong công tác đào tạo, nhân sự... đối với các trường ĐH cũng cần thiết phải được rà soát, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201