Thứ Năm, 25/4/2024 - 11:36:08 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA cho giáo dục

THỨ TƯ, 02/01/2019 11:15:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Kết quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thời gian qua được đánh giá là góp phần đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT nói riêng và việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tuy nhiên, những bất cập trong sử dụng nguồn vốn này thời gian qua đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ODA.

Làm rõ hiệu quả trong sử dụng vốn 

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2018, Bộ được giao quản lý gần chục dự án có sử dụng vốn ODA với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn ODA đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT nói riêng và việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, nhất là với những khu vực đặc biệt khó khăn. Từ nguồn vốn này, điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được tăng cường. Cơ hội học tập của đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa được mở rộng. 

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Điển hình là tình trạng một số địa phương sử dụng vốn không đúng mục đích, tự ý điều chuyển kinh phí từ dự án này sang dự án khác hay tách nhỏ từng chương trình, dự án dẫn đến hiệu quả thấp; sự cồng kềnh của hệ thống Ban Quản lý dự án ODA gây lãng phí về nguồn vốn. 

Để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, TS. Đặng Văn Định (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, cần phải tìm hiểu tác động của nguồn tiền đầu tư. “Những khoản vay ấy thực chất đã chi vào đâu, hiệu quả của từng dự án ra sao rất cần quan tâm, giám sát; nhất là với lĩnh vực GD&ĐT vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của đất nước” - TS. Định nói. 

Theo lý giải của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) Trần Tú Khánh, Bộ được giao làm đầu mối quản lý chung với các dự án sử dụng vốn ODA, nhưng nguồn vốn lại được chuyển về các địa phương, do địa phương điều tiết, sử dụng. Bộ không được biết nguồn vốn phân bổ cụ thể cho từng dự án, cũng như không được báo cáo về hiệu quả sử dụng nguồn vốn được cấp tại các địa phương. 

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ cần làm rõ các vấn đề nổi lên trong thực tế quản lý, sử dụng vốn vay, qua đó xây dựng “bức tranh” đầy đủ và thực chất về công tác này của ngành GD&ĐT. Bộ cũng cần làm rõ những vướng mắc do quy định pháp luật, quá trình phối hợp triển khai giữa T.Ư và địa phương; xác định nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. 

Tỷ lệ giải ngân rất thấp

Cùng với yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, theo kiến nghị của KTNN, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo quy định của pháp luật. Cụ thể, Báo cáo kiểm toán Chuyên đề Quản lý và sử dụng vốn ODA của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2009-2011 cho biết, giai đoạn này, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện 24 dự án sử dụng vốn ODA, trong đó, 13 dự án viện trợ không hoàn lại, 7 dự án vay vốn ưu đãi và 4 dự án vay hỗn hợp. 

Kết quả kiểm toán 5 dự án cho thấy, có đến 3 dự án do công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án thiếu chính xác, chưa tính toán kỹ thời gian thực hiện các nội dung công việc nên quá trình thực hiện phải kéo dài. Trong khi đó, công tác đầu tư, mua sắm cũng như quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các chương trình chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư. 

Căn cứ vào kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tăng cường tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và thực hiện dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều kiến nghị của KTNN không được các cơ quan có liên quan tiếp thu, khắc phục triệt để. Bằng chứng là năm 2018, Bộ GD&ĐT là một trong những Bộ có tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp nhất cả nước. 

Nói về những bất cập trong việc thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn ODA theo báo cáo kiểm toán, ông Trần Tú Khánh cho rằng, do nguyên nhân khách quan, một số dự án triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nhiều dự án ODA gặp khó khăn, vướng mắc nên chậm giải ngân, dự kiến không hoàn thành kế hoạch vốn được giao năm 2018. 

Ví dụ, Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ bị chậm trễ trong trình duyệt, thẩm định tổng mức đầu tư nên không kịp giải ngân vốn năm 2018; Dự án Nâng cao năng lực đào tạo của Trường Đại học Y Dược Huế gặp vướng mắc về thủ tục phê duyệt (mới giải ngân được 24% vốn); Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” đang tiến hành chuẩn bị đầu tư…

Theo định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, GD&ĐT tiếp tục là lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này, trong đó tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cũng như đảm bảo chất lượng thi công dự án, khắc phục triệt để các bất cập theo kiến nghị kiểm toán.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201