Thứ Hai, 29/4/2024 - 06:31:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đảm bảo tính ổn định, thống nhất của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tránh gây ảnh hưởng đến người học

THỨ BA, 25/05/2021 15:30:00 | ĐẶC SAN CUỐI THÁNG
(BKTO) - Liên quan đến đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về việc đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Tấn Dũng khẳng định, đề xuất trên là thiếu cơ sở, rất khó thuyết phục, khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang vận hành ổn định, được toàn xã hội đánh giá cao.

Thưa Thứ trưởng, giáo dục nghề nghiệp đã trải qua chặng đường dài phát triển, gắn với vai trò của các cơ quan quản lý khác nhau. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

GDNN đã trải qua lịch sử phát triển hơn 60 năm. Trong đó có 40 năm thuộc Bộ, 9 năm trực thuộc Chính phủ, 11 năm thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Thực tế cho thấy, giai đoạn trực thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, đặc biệt, trước khi chuyển lại Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực dạy nghề phát triển rất hạn chế, bộ máy quản lý ở Trung ương chỉ là một bộ phận trong Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
 

Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 - sự kiện tôn vinh người học GDNN quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức.
Ảnh: Tổng cục GDNN


Từ khi tái lập Tổng cục Dạy nghề (tháng 5/1998 đến nay), hệ thống dạy nghề/GDNN từng bước được củng cố và đang phát triển vượt bậc. Công tác tuyển sinh những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra (từ 100,2% đến 100,9%).

Ngay sau khi Bộ LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về GDNN, trong thời gian ngắn (từ năm 2017 đến nay), các thể chế hướng dẫn thực hiện Luật GDNN đã được xây dựng, giúp hệ thống GDNN vận hành tốt trong thực tiễn.

Nhiều quy định, chính sách mới về phát triển GDNN đưa vào Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để ổn định và phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển đất nước. GDNN đã từng bước tạo niền tin với xã hội về vai trò, trách nhiệm của mình trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh (năm 2018, xếp thứ 77/140, năm 2019 xếp thứ 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng). Yếu tố kỹ năng đã tăng 4 bậc từ vị trí 97 đến vị trí 93, trong đó điểm chất lượng đào tạo nghề nghiệp đã tăng từ vị trí 115 đến vị trí 102 (tăng 13 bậc so với năm 2018)…

 
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 399 trường cao đẳng. Trong đó có gần 100 trường được quy hoạch thành trường chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên 60 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng của Úc, Đức, Anh và Mỹ để đào tạo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam. Chất lượng hiệu quả đào tạo đã được nâng lên, trên 80% học sinh, sinh viên trong các chương trình chuyển giao đã trở thành những chuyên gia, kỹ thuật viên nòng cốt trong các DN FDI và tham gia thị trường lao động nước ngoài.
Những kết quả đạt được trên thực tế của GDNN vừa qua là rất rõ. Vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dựa vào cơ sở nào để đưa trình độ cao đẳng vào giáo dục nghề nghiệp, thưa Thứ trưởng?

Như trên đã nêu, việc chuyển đào tạo cao đẳng từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH mới được thực hiện trong thời gian ngắn, song những kết quả chuyển biến thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đã thấy rõ. Người học cũng nhận thấy những đổi mới trong công tác GDNN nói chung theo hướng gần gũi hơn, thiết thực hơn.

Về căn cứ pháp lý, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mới đây nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thống nhất GDNN là một bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân.
 

GDNN đã đạt được những kết quả quan trọng, kể từ khi chuyển giao thống nhất quản lý sang Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: N.LỘC


Từ quy định của Hiến pháp, chủ trương của Đảng, các bậc học và các trình độ đào tạo được thể chế hóa trong các quy định của các luật. Đặc biệt, Luật Giáo dục năm 2019 quy định, GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Đồng thời quy định rõ, Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDNN (trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm).

Khi xây dựng Luật GDNN, quan điểm đưa trình độ cao đẳng vào GDNN là một vấn đề hệ trọng, đã được bàn bạc nhiều và đã được sự nhất trí của Bộ Chính trị (tại Thông báo số 181-TB/TW ngày 9/10/2014), trong đó nêu rõ: “Sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN theo hướng hợp nhất các trình độ trung cấp nghề với trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề với cao đẳng cho phù hợp với các cấp trình độ đào tạo nghề nghiệp của khối ASEAN”.

Do đó, Luật GDNN được xây dựng theo hướng “thống nhất gộp trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, đề xuất gộp cao đẳng và cao đẳng nghề để thống nhất với khung tham chiếu các trình độ ASEAN”.

Vậy kinh nghiệm của quốc tế trong công tác quản lý nhà nước đối với GDNN ra sao và Thứ trưởng đánh giá thế nào về đề xuất chuyển vai trò quản lý hệ đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Về cơ bản, các trình độ GNNN của Việt Nam hiện nay phù hợp với Bảng phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO (ISCED) 2011. Bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay tương đương với cấp bậc 5 của ISCED (2 - 3 năm), đầu vào trung học phổ thông. Đây là chương trình thuộc giáo dục trung học nhưng không phải giáo dục đại học, chủ yếu định hướng nghề nghiệp để người học gia nhập thị trường lao động. Trong ISCED không có bất cứ điều khoản nào quy định bậc 5 (cao đẳng) thuộc về giáo dục đại học hay GDNN nhưng định hướng chương trình bậc 5 nghiêng về GDNN…

Hiện nay, hệ thống trình độ đào tạo của các nước rất đa dạng. Tuy nhiên, trình độ cao đẳng hoặc tương đương được phần lớn các nước xếp vào trình độ GDNN. Ví dụ, Luật Đào tạo nghề của Trung Quốc quy định đào tạo nghề gồm 3 trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Ở Philippin, khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc, trong đó GDNN có 5 bậc: 4 bậc cấp chứng chỉ và 1 bậc cấp bằng đào tạo nghề (trình độ cao đẳng). Còn ở Thụy Sĩ, trình độ cao đẳng thuộc về GDNN. Sau khi hoàn thành bậc tiểu học kéo dài tới 9 năm, ở độ tuổi 16, hầu hết thiếu niên Thụy Sỹ khởi sự một chương trình vừa học vừa làm. 

Từ những căn cứ pháp lý, định hướng phát triển GDNN của Đảng, Nhà nước, căn cứ khoa học, xu hướng và thực tiễn hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, những kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tuy được đề xuất với mong muốn hoàn thiện thêm hệ thống giáo dục đào tạo, nhưng còn thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển GDNN của Đảng, Nhà nước và quy định của Hiến pháp.

Do đó, việc giữ ổn định hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay theo các quy định của hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo hiện hành rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, cũng như đáp ứng yêu cầu của người học.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

(BKTO) – Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma đồng tổ chức mới đây.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201