Thứ Sáu, 29/3/2024 - 01:24:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Khi ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án BT

THỨ HAI, 02/10/2017 11:15:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU Chuyên gia ngân hàng

BT là viết tắt của Build and Transfer, có nghĩa là Xây dựng và Chuyển giao. Với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng công trình rồi chuyển giao cho nhà nước khai thác và sử dụng. Nhà nước sẽ thanh toán chi phí xây dựng công trình theo một cách thức, tiến độ nào đó. Tại Việt Nam, loại hình BT được ưa chuộng hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng, mà hiểu một cách đơn giản là nhà đầu tư xây cơ sở hạ tầng (cầu, đường…) và các địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất nhất định. Hình thức này ngày càng phổ biến nhưng nó tạo ra rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế cũng như tạo ra các hiện tượng tham nhũng, “sân sau”, lạm dụng ngân sách. 

Các ngân hàng luôn mạnh tay khi tài trợ cho các dự án BT… 

Đối với các dự án BT, phần lớn chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cho việc huy động vốn. Có 2 loại vốn, đó là vốn chủ sở hữu tức vốn tự có của nhà đầu tư và vốn vay. Thực tế, rất ít chủ đầu tư dùng vốn tự có mà chủ yếu là vốn đi vay từ các ngân hàng. 

Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải có ít nhất 20 - 30% vốn tự có trên tổng chi phí của một dự án, và phần còn lại đi vay ngân hàng (vốn vay). Ví dụ, ở Mỹ, một dự án 1.000 tỷ USD thì nhà đầu tư phải có 200 - 300 tỷ USD là vốn tự có. Khi đàm phán với Chính phủ, nhà đầu tư phải chứng minh nguồn vốn tự có, thường là tiền mặt hoặc các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán và bất động sản (không bị thế chấp)… Số vốn này nhà đầu tư phải có trước khi ký hợp đồng với Chính phủ. Họ sẽ vay ngân hàng từ 70-80% số vốn của dự án thông qua hợp đồng tín dụng với ngân hàng tài trợ. Các ngân hàng thường yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng vốn tự có trước rồi mới dùng đến tiền của ngân hàng. Sau khi ký hợp đồng, trong nhiều trường hợp, các chủ đầu tư phải bỏ tiền vào một tài khoản phong tỏa (Escrow Account) do ngân hàng tài trợ quản lý. Số tiền này được sử dụng khi công trình bắt đầu thi công, dưới sự giám sát và quản lý của ngân hàng tài trợ.
Tại Việt Nam, việc huy động vốn cho các dự án như BT hay những hình thức dự án tương tự đang tồn tại ba vấn đề:

Thứ nhất, trong nhiều dự án, Chính phủ chấp nhận vốn chủ sở hữu rất thấp, có thể chỉ 10% chi phí dự án. 

Thứ hai, việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu rất thiếu chặt chẽ. Chủ đầu tư có thể chứng minh điều này qua báo cáo tài chính hay cam kết theo các cách khác nhau. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, Chính phủ và các ngân hàng tài trợ lại không kiểm tra một cách chặt chẽ để xác nhận nguồn vốn và xem xét nguồn vốn đó đã sẵn sàng chưa. 

Thứ ba, ngay từ đầu, chủ đầu tư của nhiều dự án đã sử dụng vốn vay từ ngân hàng, trong khi đáng lý phải sử dụng vốn tự có trước. 
Trong  nhiều trường hợp dự án BT, ngân hàng tỏ ra thiếu trách nhiệm khi xét duyệt hồ sơ vay cũng như rất mạnh tay khi cho vay. Bởi lẽ, họ tin tưởng đây là những dự án công, hơn nữa thường là những dự án hạ tầng rất hấp dẫn, những dự án rất lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Bình thường, nếu muốn cho vay hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng sẽ phải lựa chọn hàng trăm DN, hàng nghìn cá nhân, chi phí marketing, thẩm định và xét duyệt hồ sơ cho vay rất cao, trong khi đó, chỉ cần cho vay hay đồng tài trợ một dự án BT, ngân hàng có thể đạt được doanh số mong muốn mà không phải gánh chịu chi phí như những món vay nhỏ. Nói chung, hồ sơ cho vay càng lớn thì chi phí trên 1 đồng mà ngân hàng cho vay càng thấp. Chính vì vậy, các ngân hàng, nhất là những ngân hàng lớn luôn đua nhau “nhảy” vào các dự án đầu tư hạ tầng của Chính phủ. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thường xuyên nhắc nhở và cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra cho ngân hàng thương mại khi tài trợ các dự án BOT, BT, nhưng xem ra nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn vẫn mạnh tay cho vay đối với những dự án kiểu này.

… nhưng dễ gặp rủi ro bởi những chủ đầu tư “tay không bắt giặc” 

Vì tất cả sự “liều lĩnh” trên, các ngân hàng có thể gặp rất nhiều rủi ro khi gặp phải những chủ đầu tư “tay không bắt giặc”. Hệ quả, nếu công trình xây dựng vượt chi phí dự toán, các ngân hàng phải đi đến quyết định: hoặc ngưng rót vốn, hoặc tiếp tục bơm vốn trên mức vốn đã cam kết. Cả 2 trường hợp này đều tạo ra rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Nếu ngưng rót vốn thì dự án đó không hoàn thành, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải gánh một khoản nợ xấu lớn; nếu bơm vốn thì xảy ra tình trạng mà thuật ngữ ngành ngân hàng tại Mỹ gọi là “tiền tốt cứu tiền xấu” (good money saves bad money), cuối cùng cả tiền cũ và tiền mới đều trở thành nợ xấu. Đây là tình trạng xảy ra tại nhiều dự án BT của Việt Nam, nó trở thành nợ đọng xây dựng cơ bản và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu hiện tại của nền kinh tế.
Khi không kiểm tra một cách chặt chẽ quy trình vay vốn đối với các dự án BT, các ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Một là, rủi ro về thanh khoản. Việc xây dựng các dự án BT thường kéo dài vài năm, thậm chí còn lâu hơn, trong khi vốn của các ngân hàng là vốn ngắn hạn. Nguồn vốn này được huy động từ tiền gửi của khách hàng (cũng thường với kỳ hạn ngắn dưới 1 năm). Hiện nay, NHNN cho phép các ngân hàng được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ 50%. Điều đó có nghĩa, ngành ngân hàng đã sử dụng rất nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ rất cao, trong khi tỷ lệ này ở các ngân hàng trên thế giới chỉ khoảng 20%. Nếu dự án kéo dài quá lâu, ngân hàng gặp áp lực phải huy động vốn mới để trả cho khách hàng tiền gửi. Cứ như thế, thời gian cho vay dự án càng dài, ngân hàng càng bị đẩy vào tình thế phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi đáo hạn. Rất nhiều trường hợp, các ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động vốn. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, việc  cho vay trung và dài hạn quá nhiều mà huy động vốn không đủ sẽ dẫn tới tình trạng thanh khoản bế tắc, dòng vốn không luân chuyển và hệ quả ngân hàng có nguy cơ phá sản. Cho đến nay, chưa có ngân hàng nào bị phá sản pháp lý vì NHNN luôn luôn bơm vốn để giữ các ngân hàng yếu kém tồn tại. Ba ngân hàng thương mại mà NHNN đã mua lại với giá 0 đồng trong năm 2014 và 2015 đều ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản kỹ thuật vì vốn chủ sở hữu đã bị triệt tiêu bởi nợ xấu và thua lỗ. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm mãi như vậy và NHNN không thể tiếp tục giải quyết các ngân hàng yếu kém bằng cách này vì nguồn lực có hạn.

Hai là, rủi ro về lãi suất. Các ngân hàng thường huy động lãi suất ngắn hạn, trong khi lãi suất cho các dự án BT thường là trung và dài hạn. Thông thường, các ngân hàng rất khôn ngoan khi cho vay với lãi suất được xem là thả nổi. Với rất nhiều dự án, lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ (3 tháng, 6 tháng hay 1 năm) hoặc được điều chỉnh theo công thức: lãi suất cơ bản cộng thêm biên độ 3-4% hoặc lãi suất huy động cộng với biên độ lãi suất. Tuy nhiên, đối với một dự án dài hạn, nếu ngân hàng cho vay với lãi suất cố định trong thời gian dài, nó sẽ tạo ra rủi ro về lãi suất. Ngay cả khi cho vay với lãi suất “thả nổi”, rủi ro vẫn có thể xảy ra cho nhà đầu tư, vì nhà đầu tư thường dự toán một mức lãi suất nào đó trong cả thời kỳ xây dựng, trước khi chuyển giao công trình cho Nhà nước. Trong dự toán đó, nếu lãi suất lên quá cao thì sẽ vượt ra ngoài dự toán, dẫn tới rủi ro về sự mất cân bằng trong chi phí vốn. 

Ba là, rủi ro về tín dụng. Vì thời hạn cho vay dài nên trong thời hạn đó rất nhiều biến cố có thể xảy ra, như: kinh tế vĩ mô bất ổn, năng lực tài chính của chủ đầu tư, sự thay đổi chính sách của Chính phủ, thậm chí ngay cả những tác nhân khách quan như khí hậu thay đổi, sự biến động tỷ giá… cũng tạo ra rủi ro lớn cho công trình. Trong rất nhiều công trình, nguyên vật liệu phải mua từ nước ngoài và mua bằng ngoại tệ, nhà đầu tư phải chịu rủi ro về tỷ giá. Những yếu tố này tác động không nhỏ tới việc hoàn thành dự án. Thời gian hoàn thành dự án càng lâu thì tác động đó càng lớn và càng khó dự đoán. Điều này tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư và từ đó dẫn tới rủi ro cho cả ngân hàng.

XUÂN HỒNG (ghi)
Theo Đặc san cuối tháng số 63 ra ngày 25-9-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201