Thứ Tư, 24/4/2024 - 23:28:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi và đối tượng kiểm toán của KTNN

THỨ SÁU, 08/06/2018 10:05:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Sau gần 24 năm thành lập và phát triển, KTNN đã dần khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Lần đầu tiên, KTNN được chế định trong Hiến pháp. Ngoài việc chế định KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, Tổng KTNN do Quốc hội bầu, Điều 118 quy định: Mục 1: "KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công". Quy định đó vừa xác định chức năng của KTNN là kiểm toán, vừa là xác định phạm vi đối tượng của KTNN là quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Luật KTNN năm 2015 đã có một điều quy định về chức năng của KTNN (Điều 9) và một điều quy định về đối tượng kiểm toán của KTNN (Điều 4). Bên cạnh đó, Luật có hẳn 2 mục 10 và 11 trong Điều 3 giải thích từ ngữ đã cố gắng làm rõ thuật ngữ tài chính công và tài sản công. Đây là những thuật ngữ, những nội dung mới ở Việt Nam, cách hiểu còn khác nhau và chưa thật đầy đủ, vì vậy, cần nhận diện rõ thực tế cũng như những vướng mắc, bất cập để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về KTNN. 

Nhận thức đầy đủ, đúng mức hơn về chức năng, nhiệm vụ của KTNN

Cần thống nhất nhận thức và hiểu một cách đầy đủ, đúng mức hơn về kiểm toán nói chung, KTNN nói riêng, đầu tiên là chức năng của KTNN. Chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức, một công cụ và định chế có sự thống nhất, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Ở đây chúng ta không bàn về nhiệm vụ của KTNN, vì đó là trách nhiệm cụ thể do cơ quan quyền lực giao phó, có thể có sự thay đổi, bổ sung tùy theo yêu cầu và khả năng trong từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như ý chí chủ quan của giai cấp lãnh đạo. Vấn đề cần bàn là hiện nay chức năng của tổ chức, của KTNN, là nội hàm mang tính bản chất của tổ chức, của định chế.

Tại Điều 9 Luật KTNN, chức năng của KTNN được quy định là: đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, KTNN có tới 4 chức năng, liệu có gì thừa, thiếu và trùng lặp, không rõ ở đây? Kết luận và kiến nghị có phải là chức năng riêng, mang tính đặc trưng của kiểm toán, KTNN? Nhận thức này cần thống nhất và rất quan trọng bởi nó liên quan đến kết quả kiểm toán mà KTNN công bố. Phải xác định rõ, kết quả xác nhận là chính hay việc ngày càng chỉ ra nhiều sai phạm là chính? Đồng thời, kiến nghị của KTNN sẽ bao hàm những gì là phù hợp: hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hay các sai phạm cần xử lý?

 
Không chỉ những tổ chức, cá nhân thu nhập, tập trung, phân bổ, hay sử dụng tài chính nhà nước, tài sản công mới là đối tượng của kiểm toán, mà tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của KTNN (người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công...).
Tại khoản 5, Điều 3, Luật KTNN ghi rõ: hoạt động kiểm toán của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Quy định này đang có sự thiếu thống nhất với Điều 9 về chức năng của KTNN.

Quy định về chức năng của KTNN cần gọn rõ, đúng chức năng mang tính bản chất, không quy định những gì là ý nghĩa hay tác dụng của KTNN.

Nên hiểu đúng hơn về "việc quản lý tài chính công, tài sản công"

Đối tượng của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vấn đề này cần có sự thống nhất trong nhận thức, trong cách hiểu về "việc quản lý, sử dụng". Đây là công việc của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. "Việc quản lý" cần phải hiểu là tất cả các hoạt động từ tạo dựng cơ chế chính sách, tổ chức huy động, phân bổ và đảm bảo an toàn mọi nguồn lực tài chính, tài sản công. "Việc sử dụng" là dùng tài chính, tài sản cho những mục đích cụ thể và đem lại những kết quả nhất định về chính trị, kinh tế hoặc xã hội.

Hiểu như vậy để khẳng định, không chỉ những tổ chức, cá nhân thu nhập, tập trung, phân bổ, hay sử dụng tài chính nhà nước, tài sản công mới là đối tượng của kiểm toán, mà tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của KTNN (người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công...).

"Việc quản lý tài chính công, tài sản công" không chỉ được đánh giá ở khâu tổ chức thực hiện, mà quan trọng hơn là kiểm toán ngay từ khâu ban hành chính sách, phương thức huy động, khai thác và tập trung nguồn lực cho Nhà nước.

Một số nội dung tài chính công cần được cân nhắc lại cho chuẩn xác 

Về tài chính công, đây là thuật ngữ mới du nhập và xuất hiện ở Việt Nam (public finance) và được sử dụng ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên, hiểu cho đúng và sử dụng cho phù hợp trong thể chế nhà nước Việt Nam hiện nay hoàn toàn không đơn giản. Ở các nước, đặc biệt là những quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến, hoặc nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, khái niệm công - tư rất rõ ràng, còn ở Việt Nam, khái niệm này cần được nhận thức cho đúng nghĩa và thấu đáo hơn. 

Điều 55, Hiến pháp có quy định: NSNN, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác do nhà nước thống nhất quản lý... Như vậy có thể hiểu: tài chính công gồm NSNN, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác. Tuy nhiên, khi quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội tại khoản 4 Điều 70, Hiến pháp lại ghi rõ: Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia. Ở đây lại xuất hiện thuật ngữ tài chính quốc gia.

 
"Việc quản lý tài chính công, tài sản công" không chỉ được đánh giá ở khâu tổ chức thực hiện, mà quan trọng hơn là kiểm toán ngay từ khâu ban hành chính sách, phương thức huy động, khai thác và tập trung nguồn lực cho Nhà nước.
Tại Điều 3 Luật KTNN, từ ngữ về tài chính công được giải thích rõ hơn. Theo đó, tài chính công bao gồm: NSNN, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN; tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân quỹ nhà nước, phần vốn nhà nước tại các DN, các khoản nợ công.

Với nhiều thuật ngữ về tài chính như vậy, Luật cần làm rõ thuật ngữ cũng như các nội hàm trong phạm vi và đối tượng của KTNN nhằm tránh tình trạng bỏ sót hoặc vượt quá phạm vi quyền hạn của một cơ quan kiểm soát tối cao về tài chính nhà nước. Cần nhận thức, tài chính không thuần túy là một quỹ tiền tệ. Trong cơ chế quản lý kinh tế của mỗi quốc gia, tài chính luôn luôn là tổng hòa các mối quan hệ kinh tế, là tổng thể các nội dung và giải pháp tài chính - tiền tệ.

Tài chính không chỉ có nhiệm vụ tập trung và sử dụng nguồn lực mà quan trọng hơn là nuôi dưỡng, phát triển, khai thác nguồn lực, thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của đất nước. Quyền lực và tài chính luôn gắn chặt với nhau. Tài chính nhà nước là một bộ phận cấu thành của tài chính quốc gia, xuất hiện cùng với sự hình thành của nhà nước. Tài chính nhà nước thực chất mang tính chính trị. Vì vậy, một số nội dung tài chính công quy định tại Điều 3 Luật KTNN cần được cân nhắc lại cho chuẩn xác, theo đúng nghĩa của tài chính nhà nước, một bộ phận cấu thành quan trọng của tài chính quốc gia.

KTNN với chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, tin cậy của thông tin về hoạt động tài chính nhà nước phục vụ trước hết cho các quyết định của cơ quan dân cử. Thông tin về tài chính nhà nước bao hàm cả NSNN, quỹ NSNN, các quỹ tập trung, quỹ chuyên dùng của nhà nước, các khoản tín dụng của nhà nước. 

Tài sản công có phải là tài sản nhà nước? 

Về tài sản công, Hiến pháp đã chế định: KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đây cũng là một thuật ngữ và khái niệm mới xuất hiện ở Việt Nam. Hiến pháp không có quy định về nội hàm của tài sản công, nhưng Điều 53 có quy định các đối tượng: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng biển vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều 3 Luật KTNN thì quy định chi tiết và cụ thể hơn nhưng lại chưa cần thiết và cũng chưa đầy đủ. 

Tài sản công, có thể hiểu là tài sản nhà nước, là một bộ phận quan trọng của tài sản quốc gia. Tài sản quốc gia có thể được hiểu theo nghĩa rộng hoặc theo nghĩa hẹp. Tài sản quốc gia theo nghĩa rộng bao gồm: tài nguyên thiên nhiên của đất nước, các di sản; các loại tài sản được sản xuất ra và nguồn vốn con người. Trong đó, các loại tài sản được sản xuất ra, hay còn gọi là tài sản quốc gia theo nghĩa hẹp, đó là toàn bộ của cải vật chất do lao động sáng tạo của con người được tích lũy lại qua thời gian theo tiến trình lịch sử phát triển của đất nước.
Theo cách phân loại của Liên Hợp quốc (UN), tài sản được sản xuất ra gồm 9 loại: (1) công xưởng, nhà máy; (2) trụ sở cơ quan, trang thiết bị văn phòng; (3) máy móc thiết bị, phương tiện vận tải; (4) cơ sở hạ tầng; (5) tồn kho của tất cả các loại hàng hóa; (6) các công trình công cộng; (7) các công trình kiến trúc; (8) nhà ở và (9) các cơ sở quân sự.

Dựa trên chức năng tham gia vào quá trình hoạt động kinh tế, 9 loại tài sản trên được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất bao gồm 5 loại đầu, những tài sản này được sử dụng làm phương tiện trực tiếp phục vụ quá trình sản xuất và được gọi là tài sản sản xuất. Trong đó 4 loại tài sản từ (1) đến (4) được gọi là tài sản cố định (vốn cố định) còn lại tài sản (5) được gọi là tài sản lưu động (vốn lưu động). Tuy nhiên, thực tế trong các loại hàng tồn kho, ngoài các loại nguyên, nhiên vật liệu dự trữ cho sản xuất còn có cả những giá trị tài sản cố định chưa lắp đặt và thành phẩm chưa tiêu thụ. Vì vậy, cách hiểu ở đây chỉ mang ý nghĩa tương đối. Sự khác nhau trên nguyên tắc về mặt kinh tế giữa tài sản cố định và tài sản lưu động. Nhóm thứ hai bao gồm 4 loại cuối, đều có tính chất chung là không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, nên được gọi là tài sản phi sản xuất (vốn phi sản xuất).

Chính vì vậy, cần hiểu tài sản công, đối tượng của KTNN chính là tài sản nhà nước, trong đó có toàn bộ vốn bằng tiền (theo nghĩa rộng) hay còn gọi là ngân quỹ nhà nước, tài sản là tài nguyên, khoáng sản của đất nước, các di sản vật thể, phi vật thể, những tài sản được sản xuất ra bằng nguồn vốn nhà nước, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Kể càng chi tiết thì càng không bao trùm và dễ bỏ sót. Cần phân biệt tài sản quốc gia, tài sản nhà nước, tài sản của cộng đồng dân cư, tài sản của tập thể. Đối tượng của KTNN chỉ bao gồm tài sản nhà nước. Đó là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Cần có quy định bao quát các đối tượng kiểm toán là các tổ chức, cá nhân  quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có ngân quỹ nhà nước.

Tóm lại, mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, nhưng Luật KTNN năm 2015 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần giải quyết, cần hoàn thiện để KTNN xứng đáng là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước tối cao, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân về một nền tài chính quốc gia mạnh và minh bạch.

PGS.TS. ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201