Thứ Bảy, 27/4/2024 - 12:22:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đề xuất sửa đổi và bổ sung một số nội dung liên quan đến đối tượng kiểm toán

THỨ SÁU, 08/06/2018 10:25:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Luật KTNN năm 2015 đã thể hiện những sự đổi mới căn bản so với Luật KTNN năm 2005. Mặc dù vậy, sau hơn hai năm triển khai thực hiện; bên cạnh những mặt tích cực, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dưới đây, tôi xin đề xuất một số điểm mà Luật cần phải sửa đổi, khắc phục và hoàn thiện.

Thứ nhất, đối tượng kiểm toán của KTNN

Điều 4 Luật KTNN năm 2015 đã quy định: “đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Tuy nhiên, nội dung của Luật chỉ quy định tập trung vào quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công là chưa hợp lý, bởi lẽ, mục đích của các cuộc kiểm toán nói chung và mục đích KTNN nói riêng là thực hiện kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động tương ứng với các xác nhận tính trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính; xác định mức độ tuân thủ các quy định và tính hiệu lực, hiệu quả khi sử dụng nguồn tài chính công, tài sản công. 

Đồng thời, khoản 5 Điều 3 của Luật cũng quy định: “Hoạt động của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Đồng thời, mục đích của KTNN cũng giống như mục đích chung của kiểm toán là phát hiện và ngăn ngừa... Vì thế, để đảm bảo sự đồng nhất, Luật cần điều chỉnh là: “xác định tính đúng đắn, trung thực; mức độ tuân thủ quy định pháp luật và tính hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng tài chính công, tài sản công  cũng như phát hiện, ngăn ngừa...”

Thứ hai, cần bổ sung các nội dung của tài chính công

Theo khoản 10 Điều 3 Luật KTNN 2015, “tài chính công bao gồm NSNN; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các DN; các khoản nợ công”. Tuy nhiên, Luật NSNN năm 2015 còn đề cập đến khoản đầu tư xây dựng cơ bản, dự phòng NSNN, quỹ dự trữ tài chính, quỹ NSNN, quỹ tài chính ngoài ngân sách... Điều này cho thấy, nội dung của tài chính công được thể hiện trong Luật KTNN là chưa đầy đủ, vì thế, cần thiết bổ sung thêm nhằm phù hợp với luật NSNN.

Thứ ba, xem xét đổi “tài sản công” thành “tài sản nhà nước” 

Theo khoản 11 Điều 3 Luật KTNN, “tài sản công bao gồm đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khai thác; tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tài sản công được giao cho các DN quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Quy định này là quá cụ thể, chi tiết dẫn đến việc khó bao quát hết tất cả các nội dung tài chính công và tài sản công theo Hiến pháp, đặc biệt là những tài sản vô hình, vì thế cần khái quát nguyên tắc thể hiện là những tài sản đang thuộc sở hữu Nhà nước và đang được quản lý bởi các đơn vị Nhà nước. Nếu đổi thành “tài sản nhà nước” và “tài chính nhà nước” thì sẽ đáp ứng được nội hàm này.

Thứ tư, thực hiện kiểm toán thuế

Khoản 10, Điều 55 Luật KTNN quy định: KTNN được kiểm toán “DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp”. Khi thực hiện kiểm toán đối với các DN, cần thiết phải quan tâm đến kiểm toán các loại thuế, vì đây là một trong những nguồn thu chủ yếu của NSNN, cũng như thể hiện sự tuân thủ pháp luật của các DN và tình hình sử dụng, quản lý vốn nhà nước tại DN. Vì thế, cần bổ sung đối tượng KTNN liên quan đến kiểm toán thuế của các DNNN.

PGS.TS. CHÚC ANH TÚ
Học viện Tài chính

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201