Thứ Ba, 23/4/2024 - 21:10:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm toán các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế là phù hợp với thực tiễn quản lý và thông lệ quốc tế

THỨ SÁU, 08/06/2018 10:15:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Sau một thời gian có hiệu lực, Luật KTNN 2015 đã giúp KTNN phát hiện nhiều vi phạm trong vấn đề thực hiện luật, cơ chế chính sách, chế độ quản lý kinh tế; kiến nghị tăng thu, tiết kiệm chi, đưa vào quản lý qua NSNN hàng trăm nghìn tỷ đồng; giúp các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị được kiểm toán đánh giá đúng thực trạng tài chính, khắc phục những yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế và quản trị DN. Các đơn vị được kiểm toán và xã hội cũng nhận thức rõ hơn về chức năng, vai trò của KTNN trong cơ chế kinh tế thị trường, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình vận động của cơ chế kinh tế cũng làm nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi Luật KTNN phải tiếp tục được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với diễn biến thực tiễn khách quan. Dưới đây là một số nội dung cần được nghiên cứu, hoàn thiện:

Về mục đích kiểm toán

Khoản 5 Điều 3 Luật KTNN 2015 quy định: Hoạt động của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, quy định này mới chủ yếu tập trung vào mục đích kiểm toán sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công, nghĩa là chỉ mới tập trung kiểm toán chi ngân sách, thông thường việc sử dụng ngân sách là dùng kinh phí ngân sách để chi đầu tư XDCB, chi chương trình mục tiêu, chi hoạt động thường xuyên của cơ quan đơn vị… Như vậy, Luật chưa đi sâu cụ thể đến nhiệm vụ chi của một cấp ngân sách. Đặc biệt, Luật chưa quy định cụ thể về kiểm toán thu NSNN. 

Tại khoản 10 Điều 3 Luật KTNN giải thích: “Tài chính công bao gồm: NSNN, dự trữ quốc gia…” Trong khi Luật NSNN quy định: NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước’’ (Điều 14 Luật NSNN). Sự khác nhau này cho thấy, việc giải thích thuật ngữ về mục đích hoạt động của KTNN như trên là chưa bao hàm đầy đủ nội dung và thiếu tương thích với Luật NSNN, chưa đề cập đến nội dung toàn bộ các khoản thu của Nhà nước được dự toán.
 

Khi kiểm toán một cấp ngân sách, nội dung cơ bản là kiểm toán thu và kiểm toán chi NSNN. Do đó, cần nghiên cứu để quy định cụ thể nhiệm vụ kiểm toán thu - chi NSNN. Nên thay cụm từ “quản lý, sử dụng tài chính công” bằng “quản lý, thu - chi tài chính công, tài sản công”. 

Về đối tượng kiểm toán

Điều 4 Luật KTNN quy định: Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lí sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Quy định hoạt động có liên quan là quá rộng, vừa khó nhận diện đâu là hoạt động có liên quan đến thu - chi của một cấp ngân sách, một đơn vị có chức năng thu - chi ngân sách hay đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN, vừa thiếu cụ thể, tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó, quá trình thực hiện Luật sẽ thiếu thống nhất, người thi hành công vụ dễ lợi dụng. Do vậy, cần quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu về đối tượng KTNN.

Luật quy định đối tượng kiểm toán là “quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, chưa quy định rõ đối tượng kiểm toán thu NSNN, đặc biệt là chưa quy định kiểm toán thu NSNN về thuế của các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có nghĩa vụ thu - nộp NSNN. Thực tiễn trong những năm vừa qua, các đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN là các công ty tư nhân, TNHH, kinh doanh cá thể..., nhưng theo quy định này, KTNN không kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN của các đối tượng trên, trong khi đây vẫn là đối tượng chủ yếu gây nên tình trạng gian lận, trốn thuế làm thất thu NSNN. Chính vì điều này, Luật cần bổ sung thêm vào đối tượng kiểm toán là: việc quản lý, thu - chi tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Về đơn vị được kiểm toán

Như đã trình bày ở phần trên, để đảm bảo tính tương thích giữa các điều có liên quan trong Luật KTNN và cụ thể hóa đối tượng kiểm toán, đề nghị bổ sung thêm vào Điều 55, đơn vị được kiểm toán, thêm tiết 13, Điều 55 là: Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế.
Hoạt động của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trọng tâm là kiểm toán NSNN. Chúng ta đều biết rằng, NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán trong một năm ngân sách do Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Trong điều kiện ngân sách hiện nay, việc huy động các nguồn thu để từng bước giảm bớt bội chi và tiến tới tự cân đối được NSNN là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là khi tình trạng gian lận, chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bởi thế, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu NSNN; KTNN phải kiểm toán các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân nộp thuế đảm bảo minh bạch nguồn thu, đồng thời góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về thu - chi NSNN để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các DN hoạt động hiệu quả. Việc bổ sung nhiệm vụ kiểm toán các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn về quản lý ngân sách của nước ta và thông lệ quốc tế.

TS. MAI VINH
Kiểm toán Nhà nước

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201