Thứ Năm, 25/4/2024 - 15:50:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bao quát đối tượng kiểm toán để chống thất thu ngân sách

THỨ NĂM, 03/05/2018 09:00:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - KTNN đang tiến hành nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015. Từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động kiểm toán, việc quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo bao quát đối tượng, phạm vi kiểm toán, nhất là đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN, là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm trong sửa đổi Luật lần này.


Đối tượng được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức sử dụng tài sản công - Ảnh: TS

Nhiều bất cập phát sinh vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng

Luật KTNN năm 2015 quy định, đối tượng kiểm toán của KTNN là: “Việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Luật cũng đưa ra quy định cụ thể giải thích về thuật ngữ “tài chính công, tài sản công”. 

Quy định về đối tượng kiểm toán trong Luật KTNN năm 2015 được đánh giá là một bước tiến khá dài so với Luật KTNN năm 2005 (đối tượng kiểm toán là những hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước). Tuy nhiên, thực tế hơn 2 năm thi hành Luật cho thấy, đã phát sinh những vướng mắc, bất cập trong quy định về đối tượng kiểm toán, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và làm thất thu không nhỏ nguồn NSNN.

Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) Lê Anh Dũng, mặc dù Luật KTNN năm 2015 đã quy định phù hợp với Hiến pháp về đối tượng kiểm toán nhưng quy định về đơn vị được kiểm toán lại chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Do đó, không thể đưa vào danh mục các đơn vị được kiểm toán trong quyết định kiểm toán và không thể áp dụng các quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp NSNN; các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản… Chính điều này đã gây khó khăn cho hoạt động của KTNN hiện nay.

Mặt khác, do nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất nên có quan niệm: khi không phải là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm toán của KTNN. Vì vậy, thời gian qua, khi tiến hành hoạt động kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan, KTNN đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không cung cấp tài liệu cho KTNN…

Đi sâu vào vấn đề kiểm toán thuế, PGS.TS. Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V - cho rằng, Luật KTNN chưa quy định cụ thể nhiệm vụ kiểm toán thuế nói chung của KTNN cũng như thẩm quyền kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN của các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế. “Thiếu quy định về kiểm toán thuế như vậy là chưa tương xứng với địa vị pháp lý hiện nay của KTNN Việt Nam so với KTNN các nước có địa vị pháp lý tương tự” - PGS.TS. Lê Huy Trọng khẳng định.

TS. Mai Vinh - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cũng nêu lên thực tế: Luật chưa quy định rõ đối tượng kiểm toán thu NSNN, đặc biệt là chưa quy định kiểm toán thu NSNN về thuế của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có nghĩa vụ thu - nộp NSNN. Theo quy định hiện hành, KTNN không kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN của các công ty tư nhân, TNHH, kinh doanh cá thể… trong khi tình trạng gian lận, trốn thuế làm thất thu NSNN chủ yếu vẫn tập trung vào các đối tượng này và xu hướng trong thời gian tới, tỷ trọng thu NSNN của các thành phần kinh tế này ngày càng gia tăng. Nếu không được khắc phục thì tình trạng thất thu NSNN khó được ngăn chặn và khắc phục. 

Sửa Luật để đảm bảo nguồn lực nhà nước

Từ những bất cập, vướng mắc trên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Ngành nhấn mạnh, việc làm rõ đối tượng, phạm vi kiểm toán của KTNN là một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong thực thi pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, hướng đến mục đích cao nhất là chống thất thu NSNN.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - không chỉ những tổ chức, cá nhân thu nhập, tập trung, phân bổ hay sử dụng tài chính nhà nước, tài sản công mới là đối tượng của kiểm toán, mà tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng kiểm toán của KTNN (người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công...). “Việc quản lý tài chính công, tài sản công không chỉ được đánh giá ở khâu tổ chức thực hiện, mà quan trọng hơn là kiểm toán ngay từ khâu ban hành chính sách, phương thức huy động, khai thác và tập trung nguồn lực cho Nhà nước” - PGS.TS. Đặng Văn Thanh nêu quan điểm.

Thống nhất quan điểm này, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - cho rằng, để công tác kiểm toán được chặt chẽ, hiệu lực pháp luật về thuế và KTNN được nâng cao, cần thiết phải làm rõ nội dung cũng như thẩm quyền kiểm toán thuế của KTNN trong Luật KTNN. Kiểm toán thuế chính là thực hiện kiểm toán từ việc hình thành nguồn thu tại các tổ chức, đơn vị đến việc huy động nguồn thu vào NSNN, kiểm toán việc quản lý của các cơ quan có nhiệm vụ quản lý thu nộp. “Sơ bộ mỗi năm, KTNN phát hiện, kiến nghị tăng nộp NSNN khoảng 2.000 tỷ đồng tiền thuế. Qua đối chiếu, có đến 93% DN có sai phạm. Số liệu này đủ sức thuyết phục để nói rằng, kiểm toán quá trình tạo lập ngân sách là cần thiết. Nếu không kiểm toán thì nguồn lực nhà nước sẽ mất đi đáng kể”- TS. Thăng cho biết.   

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng Luật quy định chung chung, thiếu rõ ràng, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình thực hiện, TS. Lê Đình Thăng đề nghị, cần quy định rõ hơn khi sửa Luật KTNN, như: ghi vào khái niệm tài chính công là các khoản thu, chi NSNN; ghi rõ trong quy định nội dung kiểm toán là các khoản thuế phải nộp, đất đai thuộc các dự án được cơ quan nhà nước giao để triển khai vì mục đích công; ghi rõ điều quy định về đơn vị được kiểm toán là DN có nghĩa vụ nộp thuế, phí và tổ chức được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án vì mục đích công.

PGS.TS. Nguyễn Đình Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - cũng đề xuất: Cần quy định rõ đơn vị được kiểm toán thuế gồm: Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan; DN có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; các cá nhân. Về nội dung kiểm toán thuế cần xác định rõ ràng, cụ thể và chi tiết cho từng người nộp thuế; cụ thể, rõ ràng về đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm tra, đối chiếu… Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo kê khai thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước trong kiểm toán thuế…

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201