Thứ Năm, 25/4/2024 - 23:19:16 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế

THỨ BẢY, 09/03/2019 20:25:00 | Y TẾ
(BKTO) - Ngày 8/3, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật hướng tới Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS bền vững (SHIFT) tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế”.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm đảm bảo tài chính cho điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Từ hôm nay (8/3), 188 cơ sở điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) trên toàn quốc bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân thông qua BHYT. Cũng từ ngày 8/3, Việt Nam sẽ từng bước mở rộng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS thông qua BHYT; phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có hơn 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT và tiếp tục tăng nhanh trong năm 2020 và những năm sau.
 

Toàn cảnh sự kiện

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, Việt Nam có gần 140.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 70% người nhiễm HIV đã được phát hiện. Trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác theo con đường tình dục lên đến hơn 95%.

Trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế. Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm. Để đảm bảo tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Để thực hiện chủ trương này, trong những năm qua Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương khẩn trương thực hiện các việc chuyển đổi, điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang BHYT. Bộ Y tế chọn 4 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế”.

Theo PGS, TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, từ trước đến nay, việc điều trị bằng thuốc ARV được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam ngày một tăng trưởng và phát triển, các cơ quan viện trợ quốc tế sẽ chuyển phân bổ nguồn lực hỗ trợ sang các nước có nguồn lực hạn chế và tình hình dịch HIV nghiêm trọng hơn. Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam củng cố và mở rộng triển khai BHYT, như một chiến lược quan trọng nhất để duy trì bền vững chương trình điều trị bằng thuốc ARV. Hiện tại, BHYT đang thanh toán các chi phí như phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện, trong tương lai. Từ năm 2019, BHYT sẽ mở rộng chi trả cho cả thuốc ARV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT.

“Điều trị HIV/AIDS là liên tục, suốt đời và khá tốn kém. BHYT sẽ thay thế nguồn viện trợ trong chi trả phần lớn các chi phí trong khám, điều trị HIV/AIDS. Việc tham gia và sử dụng BHYT của người nhiễm HIV có những thay đổi theo hướng tích cực, thuận lợi và bảo mật. Vì vậy, người nhiễm HIV nên nhanh chóng tham gia BHYT để đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài”- PGS,TS. Nguyễn Hoàng Long nói.
 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Cũng tại sự kiện, ông Daniel J. Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, trên thế giới hiện nay rất ít các quốc gia có thể làm được việc sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân. Có được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với công tác chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng.

Cụ thể, số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia BHYT tăng từ 40% năm 2014 lên 89% cuối năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus với mức hơn 93%. Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục. “Việc chuyển dần nguồn lực chi trả cho điều trị HIV sang Quỹ BHYT là một chiến lược đúng đắn, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Từ nay, người nhiễm HIV tại Việt Nam có thể an tâm, tiếp tục duy trì điều trị HIV và sống khỏe ngay cả khi các nguồn lực quốc tế bị cắt giảm” - ông Daniel J. Kritenbrink cho biết.
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu trao những liều thuốc ARV đầu tiên cho các bệnh nhân HIV

Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu đã trao tặng những liều thuốc ARV đầu tiên được mua bằng BHYT cho các bệnh nhân HIV.

Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phối hợp với PEPFAR và các đối tác để hỗ trợ các địa phương tang độ bao phủ và sử dụng BHYT cho người có HIV.

Tin và ảnh: Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201