Thứ Năm, 25/4/2024 - 23:27:55 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Giảm gánh nặng bệnh tim mạch

THỨ SÁU, 30/11/2018 15:10:00 | Y TẾ
(BKTO) - Bệnh tim mạch đang gây gánh nặng tử vong lớn nhất ở Việt Nam. Ước tính năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc là do các bệnh liên quan đến tim mạch. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết căn bệnh này, các chuyên gia khuyến cáo, việc duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, ăn giảm muối, không hút thuốc lá… là những hành động thiết thực để giảm gánh nặng của căn bệnh này.

Các nghiên cứu cho thấy, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Báo cáo điều tra quốc gia năm 2015 cho thấy, cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có 1 người bị đái tháo đường. Như vậy, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường.

Trong khi đó, tỷ lệ người mắc bệnh được phát hiện và quản lý điều trị còn rất thấp. Ước tính có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh; chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng. Lý do cơ bản của những vấn đề nêu trên là do tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đủ hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài- là yêu cầu rất quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng là một giải pháp cốt lõi hiện nay.
 

Cần tăng cường khám, phát hiện và điều trị bệnh tim mạch sớm để giảm gánh nặng tử vong- Ảnh: ST

Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng có nguyên nhân quan trọng là do sự gia tăng các hành vi nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý và đặc biệt là tiêu thụ nhiều muối. Theo điều tra quốc gia năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Để giải quyết căn bệnh này, Đảng và Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ để giải quyết những căn bệnh này. Nghị quyết số 20-NQ/TW về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến năm 2030 có 100% TYT xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015- 2025, trong đó các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh dự phòng, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đạt mục tiêu giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh không lây nhiễm và khống chế tỷ lệ mắc tăng huyết áp dưới 30% ở người trưởng thành.

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba về bệnh không lây nhiễm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9/2018, Việt Nam một lần nữa khẳng định sự cam kết đối với các mục tiêu phòng, chống bệnh không lây nhiễm toàn cầu.

Để đạt các mục tiêu trên, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm như: Quyết định số 2559/QĐ-BYT về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018- 2020; Quyết định số 2033/QĐ-BYT về Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018- 2025; Quyết định số 3756/QĐ-BYT về Hướng dẫn hoạt động dự phòng, chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho y tế cơ sở…

Nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị, cùng với việc bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách, quy định trong dự phòng, điều trị và quản lý các bệnh tim mạch tại tuyến y tế cơ sở… cần có các chính sách để giảm tiêu thụ nước ngọt có đường và hạn chế sự tiếp cận của trẻ em với các thực phẩm, sản phẩm có yếu tố nguy cơ sức khỏe tim mạch; ban hành, bổ sung quy trình phát hiện sớm tăng huyết áp/nguy cơ tim mạch tại cộng đồng, hướng dẫn kê đơn dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong dự phòng và điều trị bệnh tim mạch, quy trình quản lý và phác đồ điều trị đơn giản, phù hợp cho áp dụng tại trạm y tế xã; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn cho bác sỹ trạm y tế xã để thực hiện quản lý điều trị các bệnh mạn tính.

Về tài chính cần ban hành gói dịch vụ về dự phòng để chi trả cho các dịch vụ sàng lọc phát hiện sớm và tư vấn, đồng thời tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về Bảo hiểm y tế. Đặc biệt, cần có sự phối hợp liên ngành và khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng và các đối tác công- tư vào các chương trình dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh tim mạch dựa trên hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ ngay tại nơi sinh sống. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai mạnh mẽ Kế hoạch truyền thông giảm muối đến từng hộ gia đình, có sự tham gia của các DN thực phẩm, các nhà hàng ăn uống..., tăng cường sàng lọc tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch từ cộng đồng, tuyến y tế cơ sở; tăng tỷ lệ người tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch được phát hiện, quản lý điều trị theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế.

N. KIM

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201