Thứ Hai, 29/4/2024 - 14:48:59 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tạo đột phá trong tự chủ đại học từ việc sửa Luật

THỨ HAI, 11/06/2018 09:15:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Nhấn mạnh tính cấp thiết sửa Luật Giáo dục đại học (GDĐH) hiện hành tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những bất cập trong quy định về tự chủ đang trở thành rào cản đối với sự phát triển của GDĐH. Do đó, một trong những trọng tâm sửa Luật lần này là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.

Nguồn thu tiềm ẩn rủi ro, quy chế chi tiêu chưa phù hợp

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 (phê duyệt tại Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ) nêu rõ, có 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các Bộ, ngành được giao quyền tự chủ, trong đó, 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm. Theo Bộ GD&ĐT, việc thực hiện theo mô hình tự chủ bước đầu đã đạt được kết quả khá tích cực. Các cơ sở GDĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận. 

Báo cáo của các trường có thời gian tự chủ trên 2 năm cho thấy, các trường đã đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học; trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng, phúc lợi... Thu nhập của người lao động tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước. Cơ chế thí điểm tự chủ đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách. 

Theo TS. Đồng Thế Hiển (Bộ GD&ĐT), tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 8.262 tỷ đồng, tăng 19,9% so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.890 tỷ đồng. Trong đó, học phí vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH, chiếm trên 70% tổng thu của các trường. 

Tuy nhiên, các kết quả đạt được cũng mới chỉ ở “lưng chừng” bởi quá trình tự chủ ĐH chưa gắn với quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình. Cơ chế phân bổ ngân sách cho các trường còn mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng, kết quả đầu ra nên chưa tạo được tính cạnh tranh… Đáng chú ý, nguồn thu của các trường đang tiềm ẩn rủi ro do xác định học phí là nguồn chính, trong khi nguồn thu này lại phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. 

Bên cạnh đó, theo Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2015 của Bộ GD&ĐT, trong quá trình thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (sau này được thay thế bằng Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015), một số đơn vị chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nên nhiều nội dung chi chưa phù hợp với quy định hiện hành, nhất là chi thanh toán vượt giờ cho giáo viên; một số đơn vị chưa thực hiện trích đủ tỷ lệ tối thiểu 25% cho Quỹ Đầu tư phát triển sự nghiệp. Việc điều tiết, sử dụng kinh phí từ các trường thành viên của ĐH vùng không thống nhất, thiếu sự đồng thuận của các trường dẫn đến thực hiện rất khó khăn… 

“Cởi trói” cho các trường tự chủ

Trước những rào cản gây khó cho quá trình thực hiện tự chủ của cơ sở GDĐH, trong Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội lần này, cơ quan soạn thảo chủ trương mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH. Cụ thể, các trường được tự chủ mở ngành đào tạo, tự chủ liên kết trong và ngoài nước; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ… 

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - nhận định, các quy định này là cần thiết. Theo đó, tự chủ phải gắn với thúc đẩy nghiên cứu trong các trường ĐH. “Nếu tự chủ ĐH chỉ hiểu là tự chủ tài chính, nguồn chính của cơ sở giáo dục là học phí thì không ổn. Đặt giả định nếu trường không đủ uy tín, học sinh không lựa chọn nữa thì lấy đâu ra nguồn để trường hoạt động và tồn tại” - Bà Doan nói. 

Mặt khác, Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, các quy định về tự chủ hiện nay tưởng mở, nhưng thực chất là “vừa mở xong thít ngay lập tức”, điển hình là quy định cho phép trường hoạt động như DN nhưng khi mua sắm xây dựng phải làm tờ trình, được sự đồng ý của Bộ chủ quản. 

Còn theo Bộ GD&ĐT, cơ chế “cơ quan chủ quản” thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường. Do đó, mới đây, Bộ này đã yêu cầu 3 trường ĐH trực thuộc (ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP. HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội) xây dựng Đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản trình Bộ để báo cáo Chính phủ phê duyệt. 

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định về tự chủ ĐH thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP, cũng như sớm có hướng dẫn về miễn, giảm thuế lãi tiền gửi ngân hàng, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của trường, nhằm giúp các cơ sở GDĐH phát huy tối đa quyền tự chủ để phát triển.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 07-6-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201