Thứ Hai, 29/4/2024 - 11:17:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sắc xuân nơi vùng cao Y Tý

THỨ NĂM, 07/02/2019 14:35:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”, câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đã thúc giục chúng tôi tìm đến với Y Tý (tỉnh Lào Cai) - nơi được mệnh danh là “vùng đất mù sương” với những cảnh mây vờn núi, suối rì rào như chốn thiên thai. Vẻ đẹp đó càng trở nên tươi sáng, ấm áp hơn khi quyện hòa với không khí lao động hăng say của đồng bào các dân tộc nơi đây trên hành trình vươn lên thoát nghèo và bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp.

 Sắc màu văn hóa của “vùng đất mù sương”

Đến Y Tý những ngày cuối năm, khi hơi rét đã luồn khắp các bản làng, chúng tôi mới cảm nhận được cái giá lạnh đến cắt da cắt thịt nơi “địa đầu” Tổ quốc. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thời tiết không thể làm giảm sắc bức tranh sơn thủy vô cùng nên thơ nơi đây, với những thửa ruộng bậc thang đang mùa đổ nước, những dãy núi cao bồng bềnh sương khói; những suối nước réo rắt như bản giao hưởng giữa núi rừng... 
Theo chân một cán bộ văn hóa xã, chúng tôi được thăm các bản làng và nghe kể về những nét độc đáo của mảnh đất vùng biên. Xã Y Tý nằm trọn trong thung lũng ở phía tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách TP. Lào Cai khoảng 100 km. Với độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý như tựa lưng vào dãy Nhù Cồ San quanh năm phủ bóng mây, hiếm khi ánh mặt trời chiếu rọi trọn vẹn một ngày. Về trưa, trời có chút hửng nắng, biển mây Y Tý trở nên huyền ảo đến mê người. 
 

Chợ phiên Y Tý thu hút đông người dân, du khách và kéo dài gần cây số - Ảnh: Nguyễn Dũng

Bên cạnh vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang, những “bản sương giăng”, dấu ấn văn hóa, những ngôi nhà trình tường... lại mang đến cho du khách sự gần gũi, ấm áp về cuộc sống của đồng bào. Nhà trình tường là một kiến trúc vô cùng độc đáo của các dân tộc vùng cao ở cực Bắc của Tổ quốc. Dù nhà của người Hà Nhì, Dao, Mông có chút khác nhau, nhưng đều có điểm chung là tường dày và có cửa sổ nhỏ để giữ ấm trong những ngày đông, thoáng mát về mùa hè. 

Đối với người Hà Nhì - cộng đồng dân tộc chiếm đa số tại Y Tý - “Tết tháng Hai” (tiếng Hà Nhì gọi là Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”) diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch được coi là Tết truyền thống độc đáo của dân tộc này. “Gạ ma do” gần như giữ nguyên bản những nghi lễ, phong tục truyền thống lâu đời của người Hà Nhì với mong ước một năm mới mùa màng bội thu, gia đình hòa thuận. Với những giá trị văn hóa độc đáo, thung lũng ruộng bậc thang Thề Pả ở 2 xã Y Tý và Ngải Thầu và Lễ Cúng rừng “Gạ ma do” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể năm 2015. 

Theo cán bộ văn hóa xã Y Tý, ngoài Tết truyền thống, ngày nay, người Hà Nhì cũng đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Trong 3 ngày Tết, người Hà Nhì thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và giao lưu văn nghệ trong cộng đồng. Trong tháng Tết, phiên chợ chỉ diễn ra vào sáng thứ Bảy luôn đông vui, nhộn nhịp và thu hút đông đồng bào dân tộc, du khách về dự. Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là dịp để các chàng trai, cô gái nơi đây diện những bộ trang phục truyền thống, trao duyên và hẹn hò đôi lứa. Những sắc màu thổ cẩm của các dân tộc được hòa quyện với nhau, tạo nên một bức tranh đầy sắc màu vùng sơn cước. 

Y Tý đang khởi sắc từng ngày

Cùng với việc bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu; động viên đồng bào tích cực tham gia sản xuất. Đặc biệt, những năm gần đây, thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số  135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135), xã Y Tý đã được đầu tư đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, kênh mương… phục vụ cho việc phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Theo Chủ tịch UBND xã Y Tý Hấu A Sinh, đối với người dân Y Tý, văn hóa sống nhờ rừng vẫn còn in đậm. Dọc theo cung đường lên núi Nhù Cồ San khoảng 1 km có đường đi vào rừng già. Nơi đây, đồng bào dân tộc đã gây dựng những cánh rừng thảo quả bạt ngàn. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi, từ chỗ thiếu ăn đến có tiền để mua sắm, tổ chức Tết và không còn bị đói. Ngoài tên gọi là “vựa thảo quả” lớn nhất nhì của Lào Cai, Y Tý còn được biết đến là nơi trồng nhiều sâm đất (còn gọi là củ hoàng sin cô, có tác dụng bồi bổ và được dùng làm thuốc). Theo ông Sinh, hai năm gần đây, người Hà Nhì đẩy mạnh trồng sâm đất để sử dụng và bán ra thị trường. Năm nay, diện tích trồng sâm của xã là 16 ha, ước tính thu được 20 tấn củ với nguồn thu trên 100 triệu đồng. 

Đặc biệt, từ nhiều năm qua, huyện Bát Xát đã khuyến khích người dân phát triển nuôi cá nước lạnh gắn với bảo vệ hệ sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên, bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Nắm bắt lợi thế này, Y Tý đã phát huy tốt hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm, cá hồi tại thôn Phìn Hồ. Bên cạnh đó, xã còn triển khai một số mô hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao; trong đó, trang trại rau quả sản xuất theo quy trình VietGap của Hợp tác xã Hoa Lợi là mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình của huyện. 

Nhìn nhận điều kiện của Y Tý vẫn còn nhiều khó khăn, song Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa cũng không giấu niềm hy vọng: Y Tý đang chuyển mình và sẽ sớm chứng tỏ là điểm du lịch, điểm sáng kinh tế của vùng Tây Bắc. Bởi, Y Tý đã được đưa vào quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện với quy mô từ 1.500 - 2.000 ha, cùng nhiều dự án văn hóa, thể thao khác trong tương lai được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch, phấn đấu đưa nơi đây trở thành Sa Pa thứ 2 của Lào Cai... Đây chính là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của xã vùng biên. 

Tiếng ngựa thồ, bước chân gùi hàng vội vã của những thiếu nữ dân tộc Hà Nhì như phả thêm vào nhịp gấp của thời gian những ngày cuối năm. Bồng bềnh trong sương sớm là sắc hoa đào, hoa mơ điểm xuyết, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng của núi rừng Tây Bắc ở Y Tý. Sắc xuân đến sớm với vùng cao đó lại càng thêm lung linh, ý nghĩa, khi cuộc sống của đồng bào nơi “địa đầu” Tổ quốc đang khởi sắc từng ngày.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201