Thứ Bảy, 20/4/2024 - 01:41:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

THỨ HAI, 25/02/2019 10:10:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Các nhà khoa học dự báo, trọng lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn cả trọng lượng của các loài cá. Trong khi đó, theo thống kê, Việt Nam là nước xếp thứ 17/109 quốc gia có mức ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Hiểm họa “ô nhiễm trắng”

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, lượng rác thải nhựa thải ra trên khắp thế giới đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm lại rất nhiều dưới đáy đại dương và trở thành thức ăn đầu độc các loại sinh vật biển. Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng, năm 2050, tổng trọng lượng rác thải nhựa trên đại dương thậm chí còn có thể lớn hơn tổng trọng lượng của các loài cá. Rác thải nhựa đã khiến cho sinh kế của các ngư dân đánh bắt quy mô nhỏ ở ven biển bị đe dọa rất nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, rác thải nhựa được sử dụng một cách tràn lan. Tại Hà Nội, mỗi ngày Thành phố thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%. Như vậy, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".

Giảm thiểu rác thải nhựa còn nhiều khó khăn

Theo PGS,TS. Nguyễn Chu Hồi - giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT): Biển Đông là một trong những khu vực có lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới. Trong khi đó, do vấn đề xuyên biên giới của động lực học, hoàn lưu dòng chảy Biển Đông biến đổi theo mùa cộng với việc vật liệu nhựa thường nhẹ và rất dễ di chuyển trong điều kiện động lực học mạnh ở khu vực, tác động của vấn đề rác thải nhựa ở một nước có thể ảnh hưởng đến nước khác rất nhanh.

Đánh giá về những khó khăn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) - cho biết: Trên thực tế, Việt Nam có những kế hoạch để thực hiện chủ trương ngăn ngừa, giảm thải chất thải nhựa, túi nilon vào môi trường tự nhiên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc loại bỏ chất thải nhựa và túi nilon là không dễ dàng do chúng ta chưa tìm được sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn để thay thế. Mặc dù nhận thức của phần lớn nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng đã được cải thiện do hiệu quả của tuyên truyền nhưng thói quen sử dụng chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy của cộng đồng vẫn rất khó bỏ. Ngoài ra, cơ chế, chính sách cũng như công nghệ tái chế và sử dụng xử lý chất thải nhựa cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tái chế rác thải nhựa của Việt Nam còn rất khiêm tốn do được thực hiện chủ yếu tại các làng nghề, công nghệ lạc hậu. Điều này dẫn đến chính việc tái chế lại tiếp tục phát sinh ô nhiễm môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện rộng khắp là nguyên nhân chính khiến việc tái chế rác, nhất là rác thải nhựa chưa hiệu quả. Tiếp nữa, thất thu NSNN từ việc áp thuế bảo vệ môi trường với bao bì/túi nilon cũng là một điều rất đáng ngại.

Trước thực tế trên, Bộ TN&MT cho biết, trong năm 2019, Bộ sẽ tập trung công tác sửa Luật Bảo vệ môi trường 2014. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, khuyến khích người dân sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lần. Bộ TN&MT cũng xây dựng trình Chính phủ phê duyệt, triển khai một số đề án lớn về bảo vệ môi trường như: Đề án Tăng cường năng lực xử lý chất thải sinh hoạt, quy hoạch bảo vệ môi trường, quan trắc, giám sát môi trường...

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201