Thứ Năm, 28/3/2024 - 16:26:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bức tranh lao động, việc làm có nhiều chuyển biến, nhưng còn chậm

THỨ HAI, 07/10/2019 14:25:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Theo thống kê, tình hình lao động, việc làm trong 9 tháng năm 2019 đã có nhiều chuyển biến tích cực, như số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Mặc dù vậy, những chuyển biến này là chưa đủ để thúc đẩy vấn đề tăng năng suất lao động, khi mức thu nhập của người lao động còn thấp và có sự chênh lệch lớn trong cơ cấu các khu vực, ngành nghề.

Có chuyển dịch, nhưng còn chậm

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,7 triệu người, tăng 263.800 người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,5 triệu người, tăng 310.900 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,4 triệu người, bao gồm 19,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 35% tổng số (giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 15,9 triệu người, chiếm 29,2% (tăng 2,6%); khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 35,8% (tăng 0,6%).

Trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp chung là 1,99%, trong đó, khu vực thành thị là 2,94%; khu vực nông thôn là 1,52%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,32%, trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,73%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,63%. 

Nhìn vào những con số thống kê vừa được công bố, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm cho rằng, bức tranh lao động, việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lao động tham gia thị trường lao động và có việc làm tăng lên, số thất nghiệp giảm. Đặc biệt, cơ cấu lao động phân bổ ở các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và tăng lên ở các khu vực khác. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. 

Theo TS. Nguyễn Lê Minh - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó ban Chương trình Quốc gia về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp có giảm nhưng vẫn chiếm số lượng cao nhất trong cơ cấu lao động, với 35%. Đáng chú ý, dù tập trung đông lao động nhất song trong cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm tỷ trọng 13,2% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ tăng lao động trong khu vực dịch vụ lại khá thấp, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ, dù khu vực này chiếm tới 42,74% GDP. “Những mức tăng này cho thấy sự chuyển biến dường như còn chậm, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, đổi mới mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện” - TS. Minh nói.  

Năng suất lao động cần tiếp tục cải thiện

Tính chung 9 tháng năm 2019, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,71 triệu đồng/tháng, trong đó, thu nhập của lao động nam là 7,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,2 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương của lao động có trình độ trên đại học trở lên là 9,3 triệu đồng/tháng, tăng gần 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; lao động chưa học xong tiểu học là 5 triệu đồng/tháng; lao động chưa từng đi học là 4,2 triệu đồng/tháng. 

Những con số này cũng cho thấy thu nhập bình quân của người lao động không ngừng tăng lên qua các năm. Điều này cũng phản ánh năng suất lao động của Việt Nam đang từng bước được cải thiện. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Việt Nam hiện đang là nước có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh trong khu vực, tuy nhiên, năng suất lao động của nước ta vẫn thấp hơn nhiều so với một số nước cùng khu vực. Điều này cho thấy, dù tốc độ tăng nhanh nhưng mức tăng năng suất giữa các khu vực, ngành nghề còn có sự chênh lệch lớn. 

Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp được nhiều chuyên gia chỉ ra là do việc chuyển đổi cơ cấu lao động còn chậm. Đến hết quý III/2019, nước ta vẫn còn hơn 19,1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là khu vực có năng suất lao động thấp nhất, đến năm 2018 đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 39% năng suất lao động của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, ở các nước ASEAN, năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Malaysia gấp 11,9 lần của Việt Nam; Indonesia gấp 2,4 lần; Thái Lan gấp 2,1 lần… Do đó, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để rút ngắn mức tăng năng suất lao động so với các nước. 

Theo các chuyên gia, một giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất lao động là nâng cao trình độ người lao động. TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, lao động trình độ cao rất hạn chế, từ đó dẫn đến mức thu nhập của lao động còn thấp. Đơn cử, nhìn vào mức lương của lao động đã qua đào tạo và lao động chưa qua đào tạo vừa được công bố cho thấy mức chênh lệch rất lớn. “Điều đáng tiếc là trong khi Nhà nước đang đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp thì nhận thức của xã hội, nhu cầu học nghề của người học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu” - TS. Hùng cho biết.  

Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với những giải pháp điều chỉnh mang tính vĩ mô của Chính phủ, nội tại của mỗi ngành cần có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời để hướng lao động đến khu vực có tính kinh tế cao hơn; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến một thị trường lao động cạnh tranh, từ đó tạo cơ sở để nâng cao năng suất lao động.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201