Thứ Sáu, 26/4/2024 - 18:37:24 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số

THỨ HAI, 03/06/2019 09:20:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số” được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố ngày 29/5, đã đề xuất 4 kịch bản phát triển cho tương lai của nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2045.


Quang cảnh Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019

Cơ hội cho tăng trưởng nhanh và bền vững

Các chuyên gia nghiên cứu nhận định, những năm qua, Việt Nam nổi lên như công xưởng của châu Á, chuyên môn hoá ở khâu lắp rắp với sự dẫn dắt của các công ty nước ngoài. Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm 42% và 40% giá trị xuất khẩu năm 2017, so với 11% và 41% năm 2006. Bước nhảy vọt này là kết quả của chiến lược hướng vào ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, máy tính, đồ điện tử với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như: Samsung Electronics, LG Electronics, IBM, Nokia, và Intel... Tuy nhiên, các tập đoàn này chủ yếu nhập sản phẩm trung gian từ các chi nhánh nước ngoài, dẫn tới sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị lệch về liên kết phía sau (liên kết ngược). Ngoài điện tử, Việt Nam cũng tham gia tích cực trong các ngành thực phẩm, đồ uống, dệt may và giày dép... Chuỗi giá trị toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, gồm: việc làm, chuyên biệt hoá sản xuất, học hỏi được kinh nghiệm và kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, Việt Nam trở thành một quốc gia chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm trung gian để sản xuất và xuất khẩu liên kết mạnh ở phía sau nhưng liên kết yếu ở phía trước của chuỗi giá trị toàn cầu. Cấu trúc thương mại của Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhập khẩu hàng hoá trung gian (47,9%) lớn hơn rất nhiều lần so với xuất khẩu.

Tăng trưởng kinh tế nhanh trong những thập kỷ qua và thay đổi cơ cấu nền kinh tế đã giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, con đường đi lên từ vị thế thu nhập trung bình thấp đến vị thế thu nhập cao không được đảm bảo và cũng chẳng hề dễ dàng. Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ khó có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia. 

Để đạt được tiến bộ kinh tế, Việt Nam cần phải chuyển hướng tập trung đẩy mạnh năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành và thoát khỏi “lợi thế” là một thị trường dựa trên đầu vào và lao động giá rẻ. “Làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, logistics và giúp các DN vận hành hiệu quả hơn. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo” - PGS,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.

Nhiều tiềm năng phát triển nền kinh tế số

So sánh Việt Nam trong tương quan với các quốc gia láng giềng cho thấy, Việt Nam đang có những điều kiện tốt để phát triển nền kinh tế số. Thế mạnh của Việt Nam so với các quốc gia khác là xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu. Bên cạnh đó, quy mô và năng lực của nền kinh tế số của Việt Nam còn được thúc đẩy bởi tiềm năng ứng dụng số trong 2 ngành lớn nhất của đất nước là nông nghiệp và sản xuất chế tạo. 

Từ những phân tích về thực trạng, các chuyên gia cho rằng, có 7 xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến nền kinh tế số của Việt Nam gồm: các công nghệ số mới nổi; xu hướng quốc tế hóa; tăng nhu cầu về an ninh mạng và bảo mật cá nhân; tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng số hiện đại; thành phố thông minh; các kỹ năng, dịch vụ, DN số và nền kinh tế việc làm tự do; thay đổi hành vi tiêu dùng.

Đặc biệt, các chuyên gia nghiên cứu Báo cáo đã đưa ra 4 kịch bản phát triển cho tương lai của nền kinh tế số Việt Nam đến năm 2045. Thứ nhất, với kịch bản truyền thống, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) có thể chậm phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ thấp trên toàn nền kinh tế. Thứ hai là kịch bản chuyển đổi số sẽ diễn ra trên quy mô lớn lớn, rộng khắp các ngành công nghiệp và dịch vụ của Chính phủ đi kèm với tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT. Thứ ba là kịch bản xuất khẩu số, khả năng chuyển đổi công nghiệp diễn ra chậm, trong khi đó, ngành CNTT&TT phát triển nhanh nhưng nhỏ lẻ. Thứ tư là kịch bản tiêu dùng số, trong đó việc chuyển đổi công nghiệp diễn ra trên diện rộng khắp các ngành công nghiệp, nhưng ngành CNTT&TT gặp khó khăn và sản phẩm CNTT&TT không còn chiếm tỷ trọng cao trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. 

Dù phát triển theo kịch bản nào, các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Với mức sống tăng lên, lợi thế lao động rẻ khó còn trong tương lai, làn sóng công việc gia công lắp ráp chảy ra nước ngoài với nguy cơ thất nghiệp lớn cho Việt Nam. Để ứng phó, Việt Nam cần nâng cấp toàn diện chuỗi giá trị, bao gồm nâng cấp sản phẩm, nâng cấp quy trình, nâng cấp chức năng và nâng cấp ngành, giúp chuyển từ trung gian lắp rắp thành nhà sản xuất địa phương; nhanh chóng nâng cấp trở thành điểm quản trị toàn bộ chuỗi chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu. Tổng cục Thống kê tính toán, ứng dụng các công nghệ của giai đoạn 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD năm 2030, giúp thu nhập đầu người tăng thêm từ 315 đến 640 USD.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201