Thứ Sáu, 26/4/2024 - 13:58:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

THỨ HAI, 20/07/2020 08:20:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Trước những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối diện, nhiều chuyên gia nhận định, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Muốn hoàn thành kế hoạch này, phải thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó, cần đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật theo chuẩn quốc tế, truy xuất được nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.


Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 3,4% trong 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh tư liệu

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 3,4%

Tính đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Xuất khẩu đã kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân, đồng thời còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước. Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, giảm 19,4%.

Nguyên nhân khách quan của sự sụt giảm trên là do ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông sản của nước ta bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam; nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các DN nông sản Việt. Mặt khác, về chủ quan, các mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam vẫn đang có nhiều yếu kém. Theo Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, sản phẩm nông sản của Việt Nam chủ yếu được xuất thô, công nghệ chế biến, bảo quản còn lạc hậu; lạm dụng hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu); chất lượng không đồng đều, chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất dẫn đến thường gặp khó khăn lớn trước các rào cản kỹ thuật. Mặc dù tính chất phân phối toàn cầu nhưng trình độ thương mại quốc tế còn kém dẫn đến việc chưa thể thâm nhập và đứng vững được trong các chuỗi giá trị thế giới; đặc biệt, nông sản Việt Nam bị định kiến của nhà mua hàng quốc tế về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này gắn liền với thực tế là nông sản Việt Nam đến nay chỉ có khoảng 5% đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật theo chuẩn quốc tế 

Nhiều chuyên gia nhận định, để đạt được mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch trên 42 tỷ USD trong năm nay là thách thức rất lớn. Bởi, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9%. Vì vậy, muốn hoàn thành mục tiêu trên cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản đề xuất, để hoạt động xuất khẩu nông sản bền vững, các nhà máy chế biến cần tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… nhằm chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ. Cùng với đó, các tổ chức chứng nhận cần giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước và xuất khẩu. 

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Bùi Thị Thanh An lưu ý, về lâu dài, các DN cần nâng cao chất lượng, đưa quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao và khắt khe của các thị trường, đặc biệt là thị trường trong khối EU và các thị trường truyền thống khác. Ngoài ra, DN cần phải tổ chức lại hệ thống sản xuất để nâng cao hiệu quả, hiệu suất; sản phẩm sản xuất ra đảm bảo chất lượng, hạ giá thành và cải tiến liên tục bao bì sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của thị trường xuất khẩu; đồng thời, tập trung nắm bắt thông tin thị trường, phân tích nhanh nhạy, ứng dụng trực tiếp thông tin thị trường vào hoạt động sản xuất. Hiện tại, các thị trường EU, Mỹ không chỉ quan tâm tới chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất như thế nào? Điển hình như sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và các tiêu chuẩn khác như sở hữu trí tuệ…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để xuất khẩu nông sản Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới, DN phải chăm lo nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sử dụng hóa chất, tiến tới xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật theo chuẩn quốc tế để cạnh tranh với các nước, đẩy mạnh các kênh phân phối hàng hóa trong và ngoài nước với những sản phẩm đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020. Đây là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường lớn ở EU, nếu các DN trong nước đủ sức hội nhập, đáp ứng những đòi hỏi ngày một cao của thị trường, nhất là các thị trường khó tính, thì vai trò, vị thế của nông sản Việt Nam sẽ được khẳng định, không chỉ đem lại giá trị to lớn cho DN mà còn đảm bảo sản xuất bền vững cho ngành nông nghiệp nói chung.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201