Thứ Sáu, 3/5/2024 - 23:29:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020: Tăng tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước

THỨ NĂM, 10/11/2016 13:00:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Tại phiên làm việc sáng ngày 09/11, với 86,64% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020). Kế hoạch đã xác định rõ chỉ tiêu thu, chi NSNN, mức trần nợ công… đồng thời đưa ra những định hướng và các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện các mục tiêu đề ra.



Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm xác định phấn đấu tổng thu NSNN giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,86 triệu tỷ đồng
Ảnh: TS

Chốt trần nợ công ở mức 65% GDP

Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm xác định, phấn đấu tổng thu NSNN cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,86 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua các phiên thảo luận, Nghị quyết yêu cầu, bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN giai đoạn này không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu NSNN.

Đồng thời, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 khoảng trên 8 triệu tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi NSNN; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng còn lại của giai đoạn 2014-2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn nhà nước tại một số DN là 250 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỷ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách Trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng). Phân bổ 1.800 nghìn tỷ đồng, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. 

Tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 được ấn định là không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phấn đấu giảm mạnh bội chi NSNN để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực.

Liên quan đến quản lý nợ công, trước lo ngại của đại biểu Quốc hội về tình trạng nợ công tăng nhanh, gần chạm ngưỡng cho phép (65% GDP), không bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, Nghị quyết xác định: Giai đoạn 2016-2020, nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu NSNN hằng năm.
 
Giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định định hướng thu NSNN giai đoạn tới là tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu đảm bảo nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào NSNN; đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu; tăng tỷ trọng thu nội địa; giảm tỷ trọng các khoản thu từ dầu thô, tài nguyên, xuất nhập khẩu; khai thác tốt nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại DN. Thực hiện cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu NSNN. Hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu NSNN.

Về chi ngân sách, giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Đồng thời, giảm mạnh bội chi ngân sách để đảm bảo theo tỷ lệ quy định tại mục tiêu cụ thể trên. Cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng nợ trong nước...

Nghị quyết cũng đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm. Trong đó, giải pháp đáng chú ý là thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi NSNN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi NSNN, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu NSNN để giảm tối đa nợ đọng thuế. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chuyển nguồn đến ngày 31/12 hàng năm để kiểm soát chặt chẽ bội chi, trần nợ công hàng năm.

Nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN song Nghị quyết khẳng định, không sử dụng NSNN để cơ cấu lại DNNN, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn. Cùng với đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính… cũng là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu Kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020.
NGUYỄN HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201