Thứ Ba, 23/4/2024 - 14:54:16 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tín dụng đóng góp như thế nào cho tăng trưởng GDP 2017?

THỨ BA, 06/02/2018 10:05:00 | ĐẶC SAN CUỐI THÁNG
(BKTO) - TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC - Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề tăng trưởng kinh tế và tín dụng năm 2017, triển vọng năm 2018.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 là một câu chuyện gây nhiều bất ngờ so với những dự báo trước đây. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tôi đang có sự so sánh giữa chỉ số tăng trưởng GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo. Học trò luôn mơ ước điểm cao và phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không nên quá tự ti, mặc cảm. Thực tế, ngay từ đầu năm, chúng tôi vẫn tin rằng GDP có thể đạt được 6,6 - 6,7% và con số chốt đến thời điểm này là 6,81%.

Kết quả đạt được của tăng trưởng kinh tế năm nay có nhiều đóng góp từ công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm vừa qua đã giúp thay đổi môi trường kinh doanh tốt hơn. Đây cũng là thời điểm kinh tế thế giới vượt qua khó khăn nên tác động tích cực đến tăng trưởng của Việt Nam. 

Năm 2017, nhiều người kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt mức nới room là 21%, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kế hoạch. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng này?

Từ giữa năm 2017, chúng ta đã hy vọng tăng trưởng tín dụng trên 20%. Khi đó, tăng trưởng GDP còn khó khăn, nhiều người lo ngại không đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%. Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Năm 2017, tín dụng chỉ tăng 18,17%  trong khi GDP vẫn đạt 6,81%, điều đó cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng song không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng như thế nào? Thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng đi vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều. Thực tế, việc tín dụng vào chứng khoán và bất động sản đều có tính hai mặt. Cần công tâm để nhìn nhận rằng, dòng vốn tín dụng vừa qua đã hâm nóng thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Vốn FDI, FII vào Việt Nam cũng tương đối lớn. Tương quan giữa tín dụng và lạm phát có nhiều nhân tố, tăng trưởng tín dụng 18,17% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ.

Ở mặt còn lại, một số nơi vẫn chưa thực sự thông suốt trong khả năng tiếp cận vốn của DN. Cần quan tâm đến việc mở rộng cơ hội để các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng nhiều hơn trong bối cảnh tài sản đảm bảo thế chấp còn hạn chế, trình độ tiếp cận công nghệ không đồng đều... Hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam, nhất là khối DN nhỏ và vừa xuất hiện ngày càng đông đảo, bởi vậy chỉ cần các chính sách thực sự có hiệu quả thì chắc chắn đây sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề lao động, việc làm...

Ông đánh giá như thế nào về thành tích dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử và cao hơn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)?

Trước hết, dự trữ ngoại hối phản ánh ý tưởng sâu sắc hơn con số, đó là một nền kinh tế mở, các dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và rất nhiều vấn đề khác. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. 

Thứ hai, ở trong nước, về cán cân vãng lai, nhất là xuất nhập khẩu, mục tiêu của Việt Nam đặt ra là nhập siêu ở mức vừa phải nhưng thực tế năm 2017 nước ta lại xuất siêu. Thật ra, 45-50 tỷ USD là mức chúng ta mong muốn vào những năm 2019 và 2020, còn năm 2017, dự trữ ngoại hối đạt được mức kỷ lục như vậy bởi có rất nhiều nhân tố hỗ trợ. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước dự trữ ngoại tệ ở mức trên 10 tỷ USD. Tôi cho rằng, với nền kinh tế như Việt Nam, mức dự trữ ngoại hối như vậy đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng DN trong nước và quốc tế. Đó cũng là một lợi thế khi chúng ta hoạch định chính sách, kể cả tỷ giá hối đoái, lãi suất, thị trường vốn… có thêm nhiều cơ hội để thu hút vốn bên ngoài.

Có một hiện tượng rất thú vị là năm nay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 3 lần, thế mà đồng USD lại mất giá bình quân 7% trong rổ tiền tệ. Điều này có thể được giải thích bằng chủ trương hạn chế nhập siêu của Mỹ. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố mong muốn một đồng USD yếu như là công cụ để thực hiện việc cân bằng cán cân thương mại. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam, đồng USD tăng xấp xỉ 1,4% đã góp phần tạo ra lợi thế cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thời gian qua, chúng ta nhắc khá nhiều đến việc giảm lãi suất nhưng thực tế đã không như mong đợi. Theo ông, xu hướng lãi suất năm 2018 sẽ như thế nào? 

Lãi suất bao giờ cũng có tham chiếu mang tính quyết định, đó là lạm phát. Trong vài năm trở lại đây, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp trong khi tăng trưởng đạt mức cao, nó thể hiện một cách rất rõ nét về ổn định kinh tế vĩ mô. Dĩ nhiên, với một nền kinh tế mà sức cạnh tranh còn yếu kém như Việt Nam, chi phí cho sản xuất là một yếu tố quan trọng. Mọi người đều hy vọng giảm lãi suất, nhưng thời gian vừa qua, lãi suất giảm không như mong đợi.

Có nhiều lý do khách quan như: nợ xấu hệ thống ngân hàng còn cao, các ngân hàng phải trích lập dự phòng, lấy lợi nhuận của mình để bù đắp cho vốn bị mất do nợ xấu nên lãi suất khó giảm... Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm và lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, bởi chúng ta có nhu cầu vốn lớn. Thị trường bất động sản đã phục hồi nên người dân không chỉ đơn thuần gửi tiết kiệm mà đầu tư vào lĩnh vực này; thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng ngoạn mục... Vì những yếu tố đó, tôi cho rằng, mặc dù lạm phát thấp nhưng lãi suất giảm chưa như mong đợi. 

Sang năm 2018, kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhưng chưa thực sự vững chắc nên chính sách tiền tệ của các nước rất dè dặt. Điều quan trọng là, để kiểm soát lạm phát nước ta cần thị trường hóa giá dịch vụ công. Trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện…

Nói như vậy để thấy rằng, lãi suất năm 2018 có điều kiện để giảm thêm nhưng không nhiều, bởi mức tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm nay tuy thấp hơn mức thực hiện năm 2017, nhưng so với thế giới thì vẫn cao, cầu tín dụng nội địa vẫn rất lớn. Năm 2018, lãi suất có thể ổn định hoặc giảm mức độ nhỏ.

Ông nhận định như thế nào về kịch bản tín dụng trong năm 2018? Nhìn từ góc độ của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông thấy những rủi ro nào trong năm nay có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hệ thống tài chính?

Theo tôi, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là quan trọng nhất. Trong năm 2018, chúng ta nên chủ trương tập trung chỉ đạo tăng cường sản xuất kinh doanh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Chúng tôi tính toán và thấy rằng, trong vài năm tới, nếu kinh tế thế giới vẫn như hiện nay thì mức tăng tín dụng của Việt Nam từ 18-20% sẽ không áp lực nhiều cho ổn định vĩ mô.

Bởi, đối với Việt Nam, nguồn vốn cho đầu tư vẫn là một nhân tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Dĩ nhiên, cũng cần lưu tâm đến việc làm sao để dòng vốn tín dụng đi vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đừng để lạc vào những thị trường tạo ra cơn sốt. Cụ thể như đối với bất động sản, chứng khoán, việc phân bổ mức độ tín dụng như thế nào, liều lượng bao nhiêu trong tương quan với các thị trường khác là vấn đề cần lưu ý.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán được rủi ro khi đồng tiền đi vào các thị trường này để đảm bảo chỉ số an toàn trong tín dụng theo các chuẩn mực quốc tế. Đây là bài toán khó khăn, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm nên chỉ cần áp dụng các công cụ phù hợp để điều tiết nguồn và đưa các dòng vốn đi đúng hướng.

Nói về những rủi ro, theo tôi, Việt Nam có thể gặp một số khó khăn khi đang phụ thuộc vào xuất khẩu, mà xuất khẩu lại phụ thuộc vào chính sách thương mại của các quốc gia, nhất là Mỹ. Còn lại, những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế như công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. 

Về dài hạn, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm. Do đó, Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Về hệ thống tài chính hiện nay của nước ta, tôi không gọi đó là rủi ro mà gọi là khuyết tật, căn bệnh chữa hơi chậm. Những căn bệnh này đã được nhắc tới từ khá lâu, bao gồm: sự mất cân đối trong thị trường tài chính, sự phát triển thiếu hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Có lẽ, đã đến lúc Việt Nam phải suy nghĩ tới việc mở cửa thị trường tài chính ở mức độ vừa phải, kèm theo việc thiết kế hệ thống chính sách thích ứng với độ mở ấy.

THÙY LÊ (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

(BKTO) – Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma đồng tổ chức mới đây.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201