Thứ Năm, 18/4/2024 - 18:26:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hoạt động thương mại xuyên biên giới: Làm sao để thu thuế mà không gây sức ép cho doanh nghiệp?

THỨ TƯ, 02/01/2019 09:10:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều gặp thách thức lớn trong vấn đề thu thuế đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới, cụ thể là những khó khăn khi xác định giá trị tính thuế, đối tượng chịu thuế cũng như loại thuế sẽ áp dụng.

Thu thuế xuyên biên giới đang gặp nhiều thách thức 

Trước đây, phương thức thu thuế truyền thống chỉ dựa trên giá trị của sản phẩm hữu hình, tuy nhiên ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, thông tin đã trở thành hàng hóa (hàng hóa vô hình) và DN cung cấp dịch vụ có thể không lưu trú ở nước sở tại nên việc đánh thuế đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới vô cùng phức tạp. 

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Cách quản lý thuế của Việt Nam hiện nay đối với loại hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới chưa đầy đủ và chính xác, dẫn đến việc thất thu thuế. Ước tính, chỉ riêng Facebook đã thu lợi đến hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt Nam. Nếu kiểm soát tốt các loại thuế từ dịch vụ thương mại xuyên biên giới, Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu lớn cho NSNN.

PGS,TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính - cho biết: Việc đánh thuế đối với các hoạt động thương mại xuyên biên giới cần xác định được hai yếu tố, đó là giá trị tính thuế và đối tượng đánh thuế. Vấn đề xác định giá trị đối với hàng hóa hữu hình để làm căn cứ tính thuế tương đối dễ dàng bởi chi phí sản xuất được công khai. Ngược lại, hàng hóa vô hình như thông tin, dữ liệu thì rất khó ước tính giá trị. Tài khoản Youtube, tài khoản Facebook có hàng triệu người theo dõi sẽ có giá trị khác với tài khoản chỉ có vài nghìn người theo dõi, ngay cả các tài khoản có cùng số lượng người theo dõi nhưng giá trị thông tin có thể vẫn khác nhau. Chính vì vậy, cơ quan thuế nhiều nước hiện cũng loay hoay với việc xác định giá trị người dùng như thế nào để làm căn cứ xác định giá trị tính thuế.

Thách thức thứ hai là việc xác định đối tượng chịu thuế. Liên quan đến mạng xã hội Facebook, mặc dù người dùng tạo ra dữ liệu có giá trị, nhưng nếu đánh thuế đối tượng này là bất hợp lý. Nước Pháp đã từng bị phản đối khi có ý tưởng đánh thuế người dùng. Đến nay, quốc gia này vẫn theo đuổi quan điểm đó dưới hình thức khác, gọi là thuế dữ liệu. Theo hình thức này, người dùng phải nộp thuế dựa trên lượng dữ liệu đã sử dụng. Đây là loại thuế vẫn đang bị phản đối và cũng không nhận được sự đồng tình của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). 

Hiện tại, việc đánh thuế đối với các ông chủ công nghệ như Facebook, Google cũng rất khó khăn bởi trụ sở của các DN này không ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp, điều này còn liên quan đến hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với các nước khác. Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan thuế nên đánh thuế các đại lý của công ty dịch vụ ở nước sở tại, nhưng vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi, bởi thực chất các đại lý chỉ thu hộ công ty mẹ. 

Thực tế, cơ quan thuế Việt Nam đã và đang tìm cách vượt qua hai thách thức nói trên bằng cách đàm phán để yêu cầu các đại gia công nghệ đặt văn phòng tại Việt Nam, yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội có phát sinh doanh thu tại Việt Nam từ 100 triệu đồng/năm phải kê khai thuế. Dù vậy, cơ quan thuế cũng cho biết, giải pháp quản lý này mới chỉ theo từng vụ việc, chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài.

Ngoài ra, việc xác định sẽ áp dụng loại thuế nào (thuế thu nhập hay thuế dịch vụ) đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới cũng còn gây nhiều tranh cãi, do những dịch vụ này hoàn toàn mới và chưa có quy định pháp lý. 

Nếu áp thuế cũng phải tránh tạo sức ép cho doanh nghiệp

Trên thực tế, vấn đề thu thuế đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới hiện là thách thức của hầu hết quốc gia. Các nước thành viên EU đã nhiều lần họp bàn cách xác định giá trị tính thuế, đối tượng nộp thuế, thảo luận cách phối hợp để thu được thuế từ những dịch vụ sử dụng nền tảng công nghệ mới, song vẫn chưa thống nhất được phương án tối ưu. Hiện, EU đang xem xét cách thức xác định giá trị của mạng xã hội để đánh thuế, đó chính là cách đánh thuế nguồn gốc phát sinh giá trị, đề ra các nguyên tắc mới và phối hợp trong việc thu thuế. Singapore cũng đang tìm cách thay đổi chính sách để thu được thuế từ hoạt động dịch vụ trên các nền tảng công nghệ mới.

Theo ông Vũ Sỹ Cường, Việt Nam tiếp cận vấn đề này chưa phải là muộn nhưng cần xây dựng các giải pháp vĩ mô, có tầm nhìn dài hạn để thu thuế, đồng thời phải phối hợp giữa các ngành, các quốc gia chứ không thể thực hiện đơn lẻ. Cơ quan xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nên đưa nội dung thu thuế đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới vào Dự thảo. 

Cũng theo ông Cường, khi xem xét một đối tượng để đánh thuế, cơ quan quản lý cần xem xét cơ sở hoạt động đó có phát sinh thu nhập hay không, có tạo ra sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng không và thu nhập đó có tới mức chịu thuế hay không? Điều quan trọng nữa là phải xác định ngưỡng đánh thuế phù hợp, tránh gây tâm lý nản lòng cho các DN khởi nghiệp, bởi nếu đánh thuế quá cao có thể khiến các DN này không muốn đầu tư. Không nên lo lắng về việc đánh thuế cao sẽ khiến các DN lớn như: Amazon, Alibaba, Ebay.… không muốn vào Việt Nam, vì thuế thu nhập DN của nước ta tương đối thấp. Nếu có mức thuế phù hợp với các hoạt động thương mại xuyên biên giới và việc đánh thuế có căn cứ rõ ràng, minh bạch thì các DN sẽ vẫn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do việc chia sẻ dữ liệu số hiện nay đang giúp ích rất nhiều cho DN Việt, cho nên, chính sách thuế mới đối với hàng hóa vô hình cần được nghiên cứu kỹ, tránh gây sức ép quá lớn đối với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. 

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: Cơ quan thuế không nên quá suy tính về khoản thuế từ các hoạt động thương mại xuyên biên giới, bởi xét ở góc độ thu thuế, dù có cảm giác bị thiệt nhưng về tổng thể thì nền kinh tế chưa hẳn đã như vậy. Thực tế cho thấy, nhiều DN và người dân Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ mới và các giao dịch xuyên biên giới. Khi thu nhập của nhiều người dân và DN tại Việt Nam tăng lên, cơ quan thuế có thể thu được nhiều hơn. Chính vì lý do này, nước ta nên cải thiện môi trường kinh doanh triệt để, giúp DN Việt có sức cạnh tranh tốt, từ đó, thuế sẽ trở về với ngân sách Việt Nam.

Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201