Thứ Sáu, 26/4/2024 - 19:09:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cấp thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu

THỨ NĂM, 27/04/2017 11:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Nợ xấu mặc dù đã được đưa về dưới 3% nhưng việc xử lý nợ xấu trong những năm qua vẫn chủ yếu bằng các biện pháp kỹ thuật, tức là chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC). Những bất cập chưa được giải quyết triệt để, cộng với nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi phải cấp thiết xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu.


Xử lý nợ xấu để giữ vững sự ổn định của hệ thống tín dụng. Ảnh: TS

Những bất cập và nguy cơ tiềm ẩn

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2016, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đã được kiểm soát ở mức 2,5% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ. Nguyên nhân là do nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu xử lý tài sản bảo đảm chưa được giải quyết. 

Bên cạnh đó, nợ có nguy cơ mất vốn tại các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng tăng cao. Chẳng hạn, số nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quốc tế đến cuối năm qua là 1.548 tỷ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm 2016, chiếm 2,6% tổng dư nợ cho vay; trong số đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 86%, lên tới 1.341 tỷ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, tỷ lệ nợ có nguy cơ mất vốn tăng thêm 41%, lên 1.132 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có khoảng 7.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn trong tổng số hơn 13.000 tỷ đồng nợ xấu…

Mặt khác, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254) cũng đã lộ diện những khó khăn, vướng mắc. Theo NHNN, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng; nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động còn thiếu. “Hiện trạng thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD, VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm; hỗ trợ tài chính (miễn, giảm thuế đối với các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD yếu kém) sẽ làm kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém”- NHNN nhận định. 

Cùng với đó, trong Báo cáo tổng hợp kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án 254, KTNN cũng đã nêu rõ, các TCTD chủ yếu sử dụng giải pháp bán nợ cho VAMC. Trong khi đó, một số chính sách liên quan đến cơ chế xử lý nợ xấu thông qua việc mua bán nợ tại VAMC chưa được hoàn thiện. Minh chứng là, NHNN và Bộ Tài chính còn chậm ban hành các quy định, hướng dẫn về tỷ lệ VAMC được hưởng trên số tiền mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, khiến VAMC chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động và gặp khó khăn trong cân đối tài chính. 

Sớm ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Thực trạng trên “nếu không được xử lý nhanh thì không chỉ làm suy yếu hệ thống ngân hàng, mà kéo theo nhiều hệ lụy khác như lãi suất không giảm được, cung ứng vốn cho nền kinh tế bị hạn chế... gây khó khăn cho quá trình phát triển. Nếu kéo dài, tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng sẽ phức tạp hơn” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh quan ngại. 

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xử lý nợ xấu, trong Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành ngày 21/02/2017, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng). 

Để thực hiện mục tiêu trên, VAMC đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xử lý được 150.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương với 75% giá trị các khoản nợ xấu đã mua. Tuy nhiên, bên cạnh kế hoạch hành động của VAMC, xử lý nợ xấu đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các TCTD, các DN và nhất là phải có các quyết sách kịp thời từ phía Quốc hội, Chính phủ. 

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra vào ngày 11/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho NHNN chủ trì, xây dựng Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu trình Quốc hội. Tiếp đến, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 17/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết này để trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến vào phiên họp tới. Dự thảo Nghị quyết này cũng đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tới đây. 

Yêu cầu trên của người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc sớm ban hành một Nghị quyết riêng, mang tính đặc thù về xử lý nợ xấu là giải pháp quan trọng và cấp thiết. Điều này sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi hơn cho ngân hàng xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới, qua đó góp phần giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD cũng như của cả nền kinh tế.

THÀNH ĐỨC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201