Thứ Tư, 24/4/2024 - 13:56:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cân đối thu chi trong năm 2020: Đảm bảo tính bền vững của ngân sách

THỨ HAI, 04/11/2019 08:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, ngành tài chính đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu tài chính giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Dự toán thu nội địa chiếm 83,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước

Theo Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ khó khăn hơn năm 2019 do những rủi ro, thách thức từ sự leo thang căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, tình hình biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, biên giới. Do đó, phần lớn các tổ chức quốc tế đều thận trọng khi đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.

Đối với trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản từ nền tảng chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện, thì kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, rủi ro đan xen như: mặt trái của việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư, hội nhập quốc tế liên quan đến xuất xứ hàng hóa, điều hành chính sách tiền tệ, cùng áp lực về cơ sở hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội...

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2020, cùng với dự báo của một số tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính đã dự kiến dự toán thu cân đối NSNN năm 2020 là hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019, tăng 7,2% so với dự toán năm 2019. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 22,2% GDP, với các khoản từ thuế, phí khoảng 19,4% GDP.

Trong đó, dự toán thu nội địa là hơn 1,26 triệu tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng thu cân đối NSNN, bao gồm: thu tiền sử dụng đất 95.900 tỷ đồng; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 31.700 tỷ đồng; thu nội địa từ thuế, phí là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019 (đã loại trừ một số nguồn thu lớn đã đi vào ổn định, khó có mức tăng trưởng cao).

Dự toán thu dầu thô là 35.200 tỷ đồng, giảm 11.600 tỷ đồng (-25%) so với ước thực hiện năm 2019; trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước là 9,02 triệu tấn, giá dự toán 60 USD/thùng. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán thu là 208.000 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng (-1,4%) so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 13,8% tổng thu cân đối NSNN và giảm dần qua các năm. Dự toán thu viện trợ là 5.000 tỷ đồng.

Đẩy mạnh chi đầu tư phát triển 

Cùng với dự toán thu, Bộ Tài chính dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2020 là 1,74 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2019, bằng 25,7% GDP. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 470.600 tỷ đồng, tăng 9,6% so dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi NSNN và là năm có tỷ trọng cao nhất từ 2016 đến nay. 

Dự toán chi trả nợ lãi là 118.200 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng chi NSNN. Dự toán chi thường xuyên là trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng chi NSNN, giảm dần qua các năm (dự toán các năm 2017, 2018 và 2019 tương ứng là 64,4%, 61,8% và 61,2%). Dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế là 61.500 tỷ đồng, đảm bảo nguồn để từ ngày 01/7/2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 7,38%); lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng.

Cũng theo Báo cáo, tỷ lệ bội chi NSNN năm 2020 dự kiến là 3,44% GDP tương ứng 234.800 tỷ đồng, giảm dần qua các năm. Trong đó, bội chi ngân sách T.Ư là 3,2% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,24% GDP. Ước tính, bình quân bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 là 3,6 - 3,7% GDP, đạt mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 là tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, năm 2020 không quá 3,5% GDP. Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

Dự toán chi NSNN năm 2020 được Bộ Tài chính xác định theo nguyên tắc, định hướng bố trí tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN, ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển của ngân sách T.Ư; bố trí đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với quyết tâm thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn; quản lý chặt chẽ các khoản vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.

Nỗ lực đảm bảo tính bền vững của ngân sách

Để đạt được các chỉ tiêu cân đối ngân sách nêu trên, Bộ Tài chính đề ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như sau: tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Các nhóm giải pháp tiếp theo là: tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc; tiếp tục mục tiêu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối ngân sách, đảm bảo tính bền vững, gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề ra các giải pháp liên quan đến việc quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; tiếp tục phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; tăng cường quản lý tài chính DN, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
Tại Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Tài chính cũng đã dự kiến trong giai đoạn 2020-2022 phấn đấu thu NSNN đạt 4,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2022 dự kiến khoảng 84 - 85%. Về chi NSNN trong 3 năm, dự kiến khoảng 5,7 triệu tỷ đồng, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, đồng thời đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2021-2022 theo chủ trương đã đề ra. Với dự kiến thu và chi NSNN nêu trên, bội chi NSNN năm 2020 khoảng 3,44% GDP, năm 2021 và năm 2022 khoảng 3,5% GDP.
 
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201