(BKTO) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới được nhận định có nhiều rủi ro, khủng hoảng và sẽ tác động lớn đến kinh tế nước ta, tại phiên thảo luận Tổ sáng 22/10, đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đồng tình với các giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó nhấn mạnh việc quan tâm đặc biệt đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…
|
Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại Tổ sáng 22/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
|
Quyết định mở cửa kịp thời, sáng suốt
Phát biểu thảo luận, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ đồng tình với những đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022. Theo đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Để đạt được những thành tựu đó, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, có 5 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thứ hai là nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đã có quyết định mở cửa đúng lúc vào tháng 3/2022.
“Đây là quyết định rất khó khăn nhưng rất kịp thời và rất sáng suốt. Tôi đánh giá rất cao. Chúng ta còn nhớ khi đấy rất khó khăn, các nước xung quanh ta đều đóng cửa, như Thái Lan thì mãi đến tháng 5 mới mở cửa, còn Trung Quốc thì bây giờ vẫn đóng. Chính nhờ quyết định này trong khi cả thế giới đóng cửa, chúng ta đã phục hồi rất nhanh” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, là trong khi thế giới rất khó khăn về lương thực, thực phẩm, nông nghiệp nước ta đã trở thành nền tảng để hỗ trợ cho phát triển.
Thứ tư là các chính sách cải cách để thu hút đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô đã có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân thứ năm, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, để đạt được mức tăng trưởng như vậy là do nền của năm 2021 tương đối thấp, vì thế đã tạo đà so sánh tăng rất cao.
Nhiều tác động bất lợi đến nền kinh tế
Đánh giá tình hình năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, các tổ chức phân tích, dự báo kinh tế có uy tín trên thế giới đều nhận định rằng, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng với rủi ro khoảng 44%, tức là nguy cơ rất cao.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Đồng Tháp thảo luận tại Tổ. Ảnh: ĐĂNG KHOA
|
Nguyên nhân cơ bản là do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn có nhiều người mắc Covid-19. Bên cạnh đó là xung đột Nga - Ukraina vẫn còn rất phức tạp, dẫn đến nguồn cung năng lượng và lương thực thiếu so với tổng cầu. Đồng thời, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc làm đứt gãy toàn bộ nguồn cung, gây ra những khó khăn.
Đặc biệt, sau một thời gian chạy đua thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để phục hồi sau Covid thì hiện nay lạm phát rất cao. Tất cả các nước trên thế giới đều phải triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt.
Những yếu tố trên sẽ gây ra tác động bất lợi cho nền kinh tế chung - Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định.
Phân tích rõ hơn, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ ra khủng hoảng của kinh tế thế giới thời gian tới là tổng hợp của hai yếu tố bất lợi.
Thứ nhất, nhìn lại quá khứ năm 1970 của thế kỷ trước, kinh tế thế giới cũng rơi vào khủng hoảng trong điều kiện lạm phát đình trệ. Hiện nay, thế giới rơi vào tình trạng hụt cung, vì đứt gãy chuỗi cung ứng thì tất cả chuỗi hàng hóa đều bị ảnh hưởng.
Thứ hai, nền kinh tế thế giới cũng rơi vào “điểm xấu” giống như khủng hoảng năm 2008, đó là khủng hoảng về tín dụng, buộc phải siết chặt tiền tệ.
Một yếu tố bất lợi khác nữa là trong bối cảnh hiện nay nguy cơ khủng hoảng nợ rất cao; dư nợ của toàn nền kinh tế thế giới tăng cao bất thường và chưa bao giờ tăng cao như vậy.
“Những năm 1990, tổng dư nợ trên toàn cầu khoảng 250% GDP và đến nay tăng lên 350% GDP. Như vậy, chính sách tài khóa để hỗ trợ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô rất hạn chế. Với chính sách như vậy, kỷ nguyên vốn rẻ đã hết, chúng ta phải chấp nhận nền kinh tế ở trong trạng thái nguồn cung suy thoái nhưng lãi suất sẽ ở mức cao” - Tổng Kiểm toán nhà nước phân tích.
Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của chúng ta. Chẳng hạn như trong lĩnh vực năng lượng. Hiện nay, nước ta đang xây dựng dự toán giá dầu khoảng 70 USD/thùng, hiện giá dầu trên thế giới khoảng 80 USD/thùng. Nhưng kỳ vọng của các nước OPEC là sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 95 USD/ thùng. Chính vì thế, các nước OPEC kiên quyết không tăng sản lượng.
Hay về lương thực, thực phẩm, hiện nay, nhu cầu về đảm bảo an ninh lương thực của các nước rất cao. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Ấn Độ là một quốc gia xuất khẩu và cung cấp lương thực rất lớn trên thế giới nhưng hiện nay cũng thực hiện chính sách đóng cửa không xuất khẩu.
Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế rất mở, những biến động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động đến nước ta rất lớn, trong khi sự tự chủ của kinh tế nước ta còn yếu, điều này sẽ tác động đến chính sách của chúng ta trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước thống nhất với đề xuất của Chính phủ về giải pháp cho năm tới; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Một là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vì hiện nay sức ép lạm phát rất lớn, chúng ta phải nhập khẩu lạm phát.
Hai là tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Ba là tháo gỡ những điểm nghẽn, đặc biệt là giải ngân đầu tư công; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng./.
ĐĂNG KHOA