Thứ Sáu, 26/4/2024 - 21:53:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Áp lực lạm phát gia tăng

THỨ NĂM, 27/10/2022 07:59:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Mặc dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021 song so với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 đã tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.

Áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 do tác động của các nhóm yếu tố chủ yếu sau:
 
Thứ nhất, lạm phát do cầu kéo khi nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi trở lại sau đại dịch với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 tăng tới 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 4,17 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng 16,8%. Dự báo cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh, nhất là những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do yếu tố lễ tết sẽ kéo lạm phát tăng trong khi cầu tiêu dùng yếu chính là yếu tố quan trọng nhất khiến cho CPI năm 2020 và cả năm 2021 đều tăng ở mức thấp. Bên cạnh đó, sau 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt hơn 2,13 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tuy giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7% kế hoạch nhưng vốn đầu tư của khu vực nhà nước đã tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 57,6%, chỉ tăng 10%. Quy mô và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công dự báo tăng cao trong quý IV/2022 và cả năm 2023 đóng vai trò dẫn dắt tổng cầu đầu tư. Theo đó, áp lực lạm phát cũng tăng lên do đầu tư công vẫn hạn chế hơn về hiệu quả đầu tư so với đầu tư ngoài nhà nước hay đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi tình trạng thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục.
 
Đáng chú ý là thành tích kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2022 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước khó có thể duy trì đến cuối năm 2022 và có thể cả năm 2023 do tác động của lạm phát toàn cầu và khả năng suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu ngấm vào triển vọng xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một yếu tố nữa cũng có thể đảo chiều khiến cho áp lực lạm phát tăng vào cuối năm 2022 và cả năm 2023 chính là thu chi ngân sách nhà nước. Lạm phát tương đối thấp suốt từ đầu năm 2022 ở nước ta trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao kỷ lục một phần là nhờ trong khi tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng bất ngờ đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, thì tổng chi ngân sách nhà nước lại chỉ có hơn 1,08 triệu tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chính sách tài khóa nới lỏng dự tính thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát năm 2023 rất có thể gây ra áp lực lạm phát do tăng chi tiêu Chính phủ, cả chi đầu tư cũng như chi thường xuyên, trong đó có tăng chi tiền lương.
 
Thứ hai, mặc dù áp lực lạm phát chi phí đẩy 9 tháng năm 2022 đã giảm bớt khi so với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,05%, còn chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,71% và chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 3,34%, song chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 6% - cao hơn hẳn so với CPI - nên áp lực lạm phát chi phí đẩy thời gian tới có thể gia tăng, đặc biệt khi lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu dịu bớt. Hơn nữa, cũng sau 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng tới 10,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 10,82%; nhóm nhiên liệu tăng 42,2%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 9,53%. Rõ ràng, sau 9 tháng năm 2022, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nguy cơ nhập khẩu lạm phát ngày càng lớn dần trong những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023. Thêm vào đó, tỷ giá hối đoái tăng mạnh do USD tăng giá kỷ lục càng khiến cho việc hạn chế nhập khẩu lạm phát khó khăn hơn.
 
Thứ ba, lạm phát tiền tệ chưa xảy ra trong năm 2022 và có thể cả năm 2023 khi bình quân 9 tháng năm 2022 lạm phát cơ bản mới tăng 1,88%. Tính đến ngày 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng có 2,49% so với cuối năm 2021, trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%. Chính sách tiền tệ của Việt Nam đã thắt chặt ngay cả khi chưa có dấu hiệu lạm phát nói chung và lạm phát tiền tệ nói riêng tăng cao với hai lần tăng lãi suất điều hành liên tiếp trong vòng 1 tháng tới 100 điểm cơ bản mỗi lần đi đôi với kiểm soát chặt chẽ hạn mức tín dụng. Dự báo chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được duy trì sang cả năm 2023, song mức độ thắt chặt cần điều chỉnh hợp lý để tránh gây sốc cho nền kinh tế, làm đứt gãy nguồn cung, theo đó tuy kiểm soát được lạm phát tiền tệ song lại rơi vào lạm phát do mất cân đối cung cầu./.
 
TS.VŨ ĐÌNH ÁNH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201