Thứ Bảy, 27/4/2024 - 19:04:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất hai cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột

THỨ TƯ, 26/10/2022 21:50:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Theo đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, có 2 cơ chế có thể áp dụng ngay cho TP.Buôn Ma Thuột, đó là cơ chế tài trợ quy hoạch Thành phố và hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm có tính lan tỏa trên địa bàn.

Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại Tổ sáng 26/10. Ảnh: Đ. KHOA


Không phân biệt biển số xe đem ra đấu giá

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, đây thực chất là việc bán biển số xe như một tài nguyên đặc biệt quốc gia. Nếu có một người mua thì phải trả giá còn có từ hai người mua trở lên thì phải đấu giá để đảm bảo công bằng.

Về kho số đem ra đấu giá, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, tất cả những biển số thí điểm đấu giá là biển trắng, chữ đen mà chưa đăng ký thì đều đem ra đấu giá. Như vậy Bộ Công an và Chính phủ sẽ không phải có hướng dẫn riêng là cái nào đem để bán, cái nào không đem bán. Bởi biển số đẹp hay biển số xấu là tùy quan điểm của mỗi người. Đối với người này có thể là xấu nhưng với người khác lại là đẹp.

Liên quan đến việc thừa kế, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, Dự thảo Nghị quyết quy định giới hạn 12 tháng người trúng đấu giá phải đăng ký xe là phù hợp. Tuy nhiên, đấu giá xong mà không cho người trúng đấu giá chuyển nhượng biển số nhưng lại cho phép chuyển nhượng theo xe thì sẽ có tình trạng người trúng đấu giá sẵn sàng trao đổi, bán biển số xe mà người ta trúng được thông qua hình thức cho, tặng lại người khác.

“Chẳng hạn, tôi trúng đấu giá biển xe ô tô rất đẹp nhưng tôi chỉ đăng ký cho xe Kia Morning, trong khi anh đăng ký xe Roll royce và anh rất thích biển số xe này. Trong trường hợp đó, anh có thể đưa xe của anh cho tôi đăng ký biển số đẹp, sau đó tôi cho, tặng lại xe cho anh” - dẫn ví dụ thực tế này, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, quy định như trong Dự thảo Nghị quyết vô hình trung là khống chế một việc không có tác dụng trong thực tế. Vì thực tế, người ta sẵn sàng trao đổi, bán biển số xe mà người ta trúng được.

Vì vậy, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị không nên giới hạn việc này mà nên quy định trong 12 tháng nếu người trúng đấu giá biển số xe ô tô chưa đăng ký thì được quyền bán và nộp thuế theo quy định.

Định hướng những cơ chế hiện thực, hiệu quả cho TP.Buôn Ma Thuột

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng Kiểm toán nhà nước tán thành mục tiêu ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ. Ảnh: Đ. KHOA


Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, với 4 cơ chế, chính sách trong Dự thảo Nghị quyết thì các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kết luận số 67 sẽ khó thực hiện được.

“Chúng ta xây dựng tầm nhìn cho Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và năm 2045 trở thành thành phố động lực của vùng, trung tâm vùng, trung tâm chế biến nông sản đặc hữu, trung tâm công nghệ cao, trung tâm văn hóa của vùng Tây Nguyên chỉ với 4 cơ chế này thì rất khó để đạt được” – Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.

Bình luận thêm, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, thứ nhất, về cơ chế quản lý ngân sách, theo Dự thảo Nghị quyết thì tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần dư nợ tăng thêm được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.

Về cơ chế này, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, qua theo dõi cho thấy, ngoài một số địa phương, chỉ có cơ chế Chính phủ phát hành trái phiếu và cho địa phương vay lại thì khả thi, còn cơ chế tăng hạn mức vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là không hiệu quả.

Thứ hai, về cơ chế ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp, Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý, các tổ chức quốc tế đều khuyến cáo chúng ta khi xây dựng chính sách thuế thì phải đảm bảo tính trung lập của chính sách thuế, với vai trò chủ yếu là phân phối, điều tiết thu nhập và tạo nguồn thu ngân sách, không nên “mắc” cho chính sách thuế thêm quá nhiều chính sách xã hội sẽ rất rối.

Thứ ba, trong Dự thảo Nghị quyết có quy định về cơ chế ưu đãi cho chuyên gia. Tuy nhiên, theo thống kê ở đây chỉ có 1.020 chuyên gia thì việc thực hiện cũng rất phức tạp, khó khăn.

Từ phân tích trên, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề xuất hai cơ chế có thể vận dụng được ngay cho Buôn Ma Thuột.

Thứ nhất là quy định một cơ chế tài trợ cho quy hoạch TP.Buôn Ma Thuột.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, yếu kém nhất của chúng ta trong quản lý đô thị là quy hoạch, quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn và thực hiện quản lý theo quy hoạch. Thế nhưng, để có được quy hoạch tốt thì rất tốn tiền. Vì thế, hiệu quả nhất đối với Buôn Ma Thuột là có một cơ chế tài trợ để quy hoạch cho đàng hoàng.

Thứ hai, thay vì cơ chế này, chúng ta chọn 1-2 công trình trọng điểm trên địa bàn và hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho Buôn Ma Thuột. Làm 1-2 công trình hạ tầng có tính lan tỏa sẽ hiệu quả hơn, phù hợp với tinh thần của Kết luận 67- Tổng Kiểm toán nhà nước nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, với kỳ vọng phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trung tâm công nghệ cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, để phát triển công nghệ cao hiện nay thì khó nhất là nguồn nhân lực. Muốn nguồn nhân lực ở đâu thì ở đó phải có trường đại học, hệ thống mạng lưới trường đại học, nhưng hiện khu vực này mới có trường Đại học Tây Nguyên.

Thành phố Incheon (Hàn Quốc) khi có quyết định xây dựng thành trung tâm công nghệ cao thì ở đó có 600 trường đại học và viện nghiên cứu, tập hợp bình quân hơn 1 triệu nhà khoa học. Dẫn ví dụ này, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, chỉ với chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm thì rất khó để thực hiện. Vì vậy, chúng ta cần có định hướng đề xuất những cơ chế thiết thực, hiệu quả hơn cho Buôn Ma Thuột.
Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201