Thứ Sáu, 3/5/2024 - 13:36:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm toán nhà nước chủ động đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội

THỨ TƯ, 14/09/2022 14:52:12 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động tích cực đóng góp của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho các hoạt động của Quốc hội, UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 của KTNN. Ảnh: VPQH


Nhiều điểm mới tích cực

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, tác động của dịch Covid-19; Kiểm toán nhà nước (KTNN) có  sự thay đổi về lãnh đạo chủ chốt, song kết quả đạt được của KTNN trong 8 tháng đầu năm 2022 được đánh giá là rất tích cực, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong lĩnh vực tài chính, tài sản công cũng như hoàn thiện thể chế. 

Cùng với thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, một điểm nhấn trong công tác của KTNN năm 2022 đó là KTNN đã tham gia tích cực vào việc xây dựng nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án quan trọng quốc gia, kiểm toán các nguồn lực trong phòng, chống dịch, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và UBTVQH.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn, cùng với việc trình Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, thực hiện quy định của Luật KTNN, KTNN đã có báo cáo Quốc hội, UBTVQH ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia. KTNN cũng đang chuẩn bị báo cáo ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 trình Quốc hội.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, KTNN đã cử 03 lãnh đạo ngành tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH; cử 14 lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tham gia Tổ giúp việc các Đoàn giám sát...

Phát biểu tại Phiên họp của UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảm ơn KTNN đã phối hợp rất tích cực với Ủy ban Kinh tế trong việc tham gia ý kiến về các công trình quan trọng quốc gia cũng như bố trí một đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia với các hoạt động của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng có chung đánh giá: Trong thời gian vừa qua, các báo cáo của KTNN đã đóng góp rất tích cực cho các hoạt động của UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội. Qua các thông tin, số liệu của KTNN giúp cho việc thẩm tra và đánh giá chính xác hơn rất nhiều. Với ý nghĩa đó, ông Huy đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh việc chia sẻ, cung cấp các báo cáo chung, có tính chất tổng quát, KTNN cần có các báo cáo chuyên sâu, chi tiết giúp cho Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc sử dụng hiệu quả hơn thông tin từ hoạt động kiểm toán.
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá những đóng góp của KTNN  đối với hoạt động của Quốc hội có nhiều điểm mới tích cực. Ảnh: VPQH


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vai trò của KTNN đối với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong năm vừa qua có nhiều điểm mới tích cực. KTNN đã cho ý kiến rất tốt và kịp thời về các dự án quan trọng quốc gia, giúp cho các cơ quan thẩm tra và Quốc hội khá nhiều trong việc đưa ra quyết định rất khẩn trương.

Đây là lần đầu tiên ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia được gửi ra Quốc hội. Điều này thể hiện tinh thần tích cực, chủ động của KTNN, đồng thời cũng là yêu cầu của UBTVQH, của các cơ quan chức năng, phải nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của KTNN.

Năm 2022 cũng ghi nhận vai trò rất tích cực của KTNN trong tham gia các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội và UBTVQH. Các đoàn giám sát đều mời lãnh đạo KTNN tham gia. Với kho tư liệu vô cùng phong phú, cùng với Thanh tra Chính phủ, KTNN đã đóng góp từ kết quả hoạt động của mình cho các cuộc giám sát.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh biến động về cán bộ chủ chốt song hoạt động kiểm toán, tổ chức hoạt động kiểm toán nói chung từ trung ương đến các khu vực cơ bản vẫn ổn định, đảm bảo được tính liên tục, không xảy ra sự cố hay vấn đề nổi cộm. Trong điều kiện dịch bệnh, toàn Ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn. “Chúng ta từ ngoài nhìn vào thấy rằng cũng có phần yên tâm nhất định về KTNN” – Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm toán

Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được cũng như nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, các Ủy viên UBTVQH đề nghị KTNN tiếp tục hoàn thiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, hoàn thiện điều kiện hoạt động, tổ chức hoạt động kiểm toán phù hợp với tình hình mới và thực hiện thành công mục tiêu của chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong thời gian tới, KTNN cần bám sát chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp, Luật KTNN để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình. Theo đó, cần tăng cường vai trò của KTNN trong việc trình ý kiến với Quốc hội để xem xét quyết định dự toán NSNN; phê chuẩn quyết toán NSNN; tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Bên cạnh đó, KTNN cần tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách hàng năm, về hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các dự án yếu kém, thua lỗ; tăng cường công khai kết quả kiểm toán…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý, trong những tháng còn lại của năm 2022, KTNN cần tập trung quyết liệt để hoàn thành Kế hoạch kiểm toán năm, chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán.

Băn khoăn về tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiệu quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán những tháng đầu năm 2022 về tiền đạt 56,3%, có cao hơn so với năm trước là 49,9% nhưng so với yêu cầu xử lý kiến nghị vẫn còn thấp. Đặc biệt, KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 102 văn bản quy phạm pháp luật nhưng mới chỉ sửa đổi, bổ sung được 15 văn bản, tỷ lệ sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật rất thấp.

Nhấn mạnh tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, ông Thanh đề nghị KTNN cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân, đồng thời tăng cường chất lượng của các kiến nghị, kết luận kiểm toán nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, KTNN cần tăng cường phối hợp với HĐND các địa phương trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND cũng như trong việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán tại địa phương.
ĐĂNG KHOA 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201