Chủ Nhật, 5/5/2024 - 07:22:00 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

THỨ HAI, 19/09/2022 16:45:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Chiều 18/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 tiếp tục tiến hành Phiên toàn thể với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Các đại biểu tham dự Phiên toàn thể. Ảnh: VPQH


Kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế

Các báo cáo, tham luận trình bày tại Phiên toàn thể cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - chính trị, xã hội trên thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực. Trên cơ sở đó, nhiều khuyến nghị, đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững… được các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ, đề xuất tại Phiên họp.

Tham luận về bối cảnh quốc tế, tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, tình hình thế giới nhìn chung diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn; khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro chuyển từ các vấn đề về kinh tế sang xã hội, an ninh chính trị của một số quốc gia và khu vực.
 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: VPQH


Những yếu tố này, cộng hưởng với các yếu tố như tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn… đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này tạo rất nhiều khó khăn, thách thức trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo; tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô…

Trong bối cảnh đó, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

“Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn” - ông Phương nhấn mạnh.

Đề xuất chính sách cho Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola cho rằng, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hiện tại, chính sách quản trị nguồn lực của Việt Nam đang xoay quanh nguồn vốn sản xuất và vốn con người. Tuy nhiên, để đạt được bước đột phá, hướng đến phát triển bền vững, ông Andrea Coppola khuyến nghị, cần nhận thức rõ và chú trọng vào vốn thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng xanh; cũng như cần kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.

Đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.
 

TS. Cấn Văn Lực đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: VPQH


TS. Cấn Văn Lực đánh giá, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam hiện ở mức Trung bình - Khá, trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô, chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp. Mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, điều cần lưu ý là rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam; có kế hoạch huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế…/.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201