(BKTO) - Sự bùng phát của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là tại các địa phương phía Nam, nhiều DN đối diện nguy cơ đứt gãy và bị gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Trước những khó khăn này, các DN đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng một số giải pháp nhằm tháo gỡ, trong đó cần tiếp tục có những chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) hỗ trợ người lao động và DN.
|
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Các doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ khó khăn
Trong 8 tháng đầu năm, trên cả nước đã có 85,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trước những khó khăn kéo dài trong thời gian vừa qua, các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cho biết họ mong muốn được hỗ trợ đến năm 2023 vì khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 5.000 DN vừa và nhỏ TP.HCM kiến nghị 3 nhóm giải pháp để giải cứu DN. Trong đó có kiến nghị miễn 100% phí BHXH cho các DN và người lao động, miễn thuế VAT năm 2021 và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo, giảm 50% thuế thu nhập DN và giảm tiếp 30% cho 3 năm tiếp theo…
Đầu tháng 9 vừa qua, trước những khó khăn do dịch bệnh kéo dài, 11 Hiệp hội ngành hàng thuộc các lĩnh vực thủy sản, điện tử, nhựa, da giày, thực phẩm, chè, lương thực, sữa, gỗ, giấy… cũng đã gửi thư kiến nghị tới Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ - về tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo 11 hiệp hội ngành hàng, bước sang tuần đầu của tháng 9/2021, các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động đã chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, khó phục hồi sản xuất nếu không được “nới lỏng” sản xuất an toàn trước ngày 15/9/2021. Các DN đều bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mất khách hàng, thiếu hụt lao động…
Từ những vấn đề trên, 11 hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và BHXH Việt Nam xem xét, cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật BHXH. Kiến nghị này có nghĩa là người lao động được hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm trong thời gian thực hiện giãn cách hay cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, cho phép DN và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội. Các hiệp hội ngành hàng trên cũng đề xuất không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất…
|
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
|
Ngành BHXH sẵn sàng triển khai thực hiện chính sách
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 2 nhiệm vụ liên quan đến ngành BHXH Việt Nam.
Cụ thể, tại nhóm nhiệm vụ hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ BHXH ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác; nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp BHXH phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định. Các nhiệm vụ này đều phải hoàn thành trong tháng 9/2021.
Cùng với đó, tại nhóm nhiệm vụ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép thanh toán các hoạt động khám chữa bệnh từ xa có thu phí, trình Chính phủ, báo cáo UBTVQH theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021.
|
BHXH ngày càng tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết chính sách cho người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Nhanh chóng nắm bắt yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, ngay ngày 10/9/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, các quy định liên quan đến chính sách BHXH, bảo hiểm y tế tại Nghị quyết số 105/NQ-CP là chưa có tiền lệ, do đó, để thực hiện được cần phải trải qua bước Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết riêng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, ngành BHXH Việt Nam luôn sẵn sàng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đơn cử, với Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị liên quan triển khai thực hiện sớm nhất, hoàn thành việc hỗ trợ nhanh nhất.
Còn với nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, BHXH Việt Nam cũng chủ động tham mưu, đề xuất và sẽ triển khai thực hiện ngay sau khi Chính phủ, UBTVQH ban hành Nghị quyết.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam và các đơn vị trong ngành luôn sẵn sàng chủ động triển khai và thực hiện hỗ trợ DN và người lao động ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ, cũng như UBTVQH...
Tất nhiên, BHXH Việt Nam phải đảm bảo việc triển khai thực hiện chính sách đến đúng người, đúng đối tượng, đúng DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và phải đảm bảo bình đẳng giữa những đơn vị trong cùng địa bàn - ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ.
ĐỨC HUY