Thứ Bảy, 20/4/2024 - 14:26:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xuất khẩu nông sản gặp khó

THỨ NĂM, 11/08/2016 17:00:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - 6 tháng đầu năm, một số thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu và tăng cường các rào cản kỹ thuật. Hơn nữa, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ có nguồn cung tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn.


Theo đại diện Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp hiện nay là phải đảm bảo giữ vững tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: TK
 
Phát biểu tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp và giao ban xuất khẩu với các hiệp hội ngành hàng tổ chức ngày 09/8, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản rất thấp và dự kiến sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 10% như nhiều năm trước đây. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ 6 tháng đầu năm giảm rất mạnh, khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Quyền, xuất khẩu dăm gỗ giảm chủ yếu do thị trường Trung Quốc, nơi chiếm tới một nửa lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam giảm mua. Đồng thời, họ cũng giảm giá dăm nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2015, giá một tấn dăm khô khoảng 144 USD thì nay chỉ còn 126-132 USD. Hơn nữa chất lượng dăm của Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt từ các nước như Úc, Brazil, NewZealand…

Với ngành gạo, theo bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, gạo Việt Nam có một số thị trường lớn rất quan tâm là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và châu Phi nhưng năm nay việc thực hiện hợp đồng lớn rất khó khăn. Những năm trước, Trung Quốc nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch rất lớn. Nhưng năm nay, chính sách nhập khẩu của thị trường này có thay đổi lớn, đồng thời có sự chuyển hướng sang Campuchia, Thái Lan… Các thị trường khác như Indonesia, Philippines, Malaysia đã xuất hiện nhu cầu nhập khẩu nhưng không được như kỳ vọng. Thị trường châu Phi có nhu cầu đa dạng về các loại gạo nhưng Thái Lan đáp ứng thị trường này tốt hơn. Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển từ Thái Lan sang châu Phi cũng cạnh tranh hơn so với từ Việt Nam.

“Bức tranh” xuất khẩu thủy sản cũng không mấy sáng sủa. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tôm Việt Nam chưa sang được thị trường Australia là do nước này áp dụng rào cản kỹ thuật. Tình hình xuất khẩu cá tra sang EU gần đây cũng tăng giảm thất thường, tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu cá tra nói chung. Nguyên nhân là do thông tin nguồn cung không đầy đủ gây khó khăn cho xuất khẩu. Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng có cơ sở dữ liệu hoặc có thống kê cập nhập, kịp thời về sản lượng cá tra thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long để các nhà nhập khẩu nắm được tình hình, qua đó tạo sự ổn định cho tiêu thụ cá tra...

Nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một thị trường lớn và trọng điểm của ngành Nông nghiệp, bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam từ đầu năm tới nay. Hành trình đưa hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là với hàng hóa xuất khẩu tiêu ngạch. Bởi mới đây, khi làm việc với Bộ Công thương Việt Nam, phía Trung Quốc đưa ra thông điệp rõ ràng là trong thời gian tới họ sẽ siết hoạt động nhập khẩu biên mậu, tăng cường công tác chống buôn lậu và giám sát chất lượng sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm 2016 là đảm bảo giữ vững tăng trưởng xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu trên, đồng thời khắc phục khó khăn trong xuất khẩu của các ngành hàng, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho xuất khẩu nông sản… Riêng đối với mặt hàng gạo, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung triển khai xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ xây dựng xong tiêu chuẩn gạo Việt Nam và đầu năm 2017 sẽ tổ chức thi thiết kế logo gạo Việt Nam.

Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, từ đó phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu cho ngành nông nghiệp.

THANH TÙNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201