Thứ Năm, 25/4/2024 - 13:32:06 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch vào Trung Quốc

THỨ HAI, 08/04/2019 08:50:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Dung lượng thị trường và nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng nông sản của Trung Quốc rất lớn. Điều này đã tạo ra lực hút và sự quan tâm của những quốc gia có thế mạnh sản xuất nông sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, DN Việt phải nâng cao chất lượng cũng như thay đổi phương thức xuất khẩu.


Tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn - Ảnh: Huy Thành

Thị trường ngày càng khó tính

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với 1,3 tỷ dân. Dự báo trong 15 năm tới, các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ vượt qua hàng chục tỷ USD. Năm 2018, kim ngạch nhập khẩu nông sản của nước này đã lên tới hơn 137 tỷ USD. Theo nhận định của các DN, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng xuất khẩu rất lớn đối với hàng hoá của Việt Nam. Tuy nhiên, những yêu cầu của thị trường này ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói, an toàn thực phẩm… khiến nhiều mặt hàng Việt vốn quen xuất tiểu ngạch sang thị trường này không đáp ứng được. Ngoài ra, các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn chưa chú trọng xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối chính thức của nước này. Vì vậy, trong thời gian qua, tỷ lệ nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới bằng con đường chính ngạch vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu. 

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hoè, trong năm 2018, xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc đã sụt giảm do giá xuất khẩu giảm và tác động của việc điều chỉnh các chính sách về biên giới của Trung Quốc nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại đối với các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Trung Quốc.  

Mặt khác, Trung Quốc đưa ra các chính sách siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu vào Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đường bộ. Việc này làm giảm xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Trung Quốc nhưng lại mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch qua đường biển. Hầu như các DN xuất khẩu thuỷ sản tại phía Nam đã chuyển từ vận chuyển đường bộ sang đường biển. So với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bằng đường bộ, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển giúp các DN hạn chế rủi ro về thanh toán, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí. 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, ông Hòe cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng đối với hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Thực tế, có tới 80% thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không cần xin chứng thư chất lượng. Điều này dễ tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như làm xấu đi hình ảnh của thủy sản Việt Nam.

Thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu

Để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, nhiều chuyên gia và DN trong ngành nông sản, thủy sản đề xuất, các Bộ, ngành và Chính phủ cần có động thái can thiệp để các cơ quan chức năng Trung Quốc cùng ngồi lại với phía Việt Nam, tính toán và tăng danh mục loại nông, thủy sản được nhập chính ngạch vào Trung Quốc. Cùng với đó, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, DN Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Không nên xem Trung Quốc là thị trường dễ tính mà cần có sự đầu tư nghiêm túc để nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của quốc gia này về bao bì đóng gói, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Với kinh nghiệm nhiều năm nhập khẩu trái cây, rau quả từ Việt Nam, Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.Ltd - ông Shi Xin Biao - khuyến cáo, trong 10 năm tới, tốc độ tăng về nhu cầu trái cây, rau quả của Trung Quốc sẽ có xu hướng chậm lại, yêu cầu về chất lượng tăng lên; thương mại điện tử cũng sẽ giúp người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận nhanh hơn với nguồn hàng. Do vậy, DN Việt Nam cần cung cấp các sản phẩm ổn định, chất lượng tốt, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; tìm hiểu cụ thể nhu cầu của khách hàng, bởi mỗi vùng ở Trung Quốc sẽ có thói quen tiêu dùng khác nhau. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cần tạo cơ chế cho DN xây dựng, phát triển hệ thống kho bãi, kho bảo quản lạnh nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng sản phẩm.

Đại diện các cơ quan chức năng của Trung Quốc cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, cần phát huy vai trò dẫn dắt của các Bộ, ngành thông qua việc nghiên cứu, khảo sát, nắm rõ tình hình và xu hướng thay đổi của thị trường tiêu dùng để xây dựng chính sách chỉ đạo và hướng dẫn; quan tâm theo dõi về nhu cầu tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp. Đồng thời, DN cần chủ động quảng bá ra thị trường Trung Quốc qua những sự kiện quan trọng, có nhiều khách hàng tham dự như: Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc… Đặc biệt, các DN và cá nhân không nên sản xuất và bán các sản phẩm nông nghiệp chất lượng kém vì lợi ích trước mắt, cần đầu tư để nâng cấp và ổn định về chất lượng, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

THU HUYỀN
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 04-4-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201