Thứ Sáu, 29/3/2024 - 15:52:20 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thị trường Chứng khoán Việt Nam: 20 năm nhìn lại và bước tiếp

THỨ NĂM, 30/07/2020 08:35:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính và nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thời gian tới, TTCK cần có sự đột phá cả về quy mô và chất lượng, để sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi.


TTCK Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ trong 20 năm qua. Ảnh: TTXVN

Vốn hóa thị trường tăng trưởng trung bình hơn 50%/năm 

Theo ước tính, trong 20 năm qua, vốn hóa TTCK đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Đến ngày 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt Nam đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ 0,3% GDP năm 2000 lên 104% GDP tháng 6/2020. TTCK phát triển mạnh mẽ đã giúp cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Ước tính, tỷ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay khoảng 30,6%, không cách quá xa so với mức 68,7% của khu vực các tổ chức tín dụng và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% vào năm 2010.

Không những vậy, TTCK đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế. Nếu như năm 2006, TTCK mới huy động được 40.000 tỷ đồng cho nền kinh tế thì đến năm 2019, con số này đã đạt 320.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006. Sáu tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK vẫn đạt khoảng 107.000 tỷ đồng. Ước tính, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm được thực hiện qua kênh TTCK Việt Nam ở mức bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016-2019.

Bên cạnh đó, từ năm 2000 đến nay, hàng loạt thị trường mới đã được bổ sung giúp TTCK Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh. Đặc biệt, ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh đã chính thức khai trương, giúp Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này. Đây là bước đệm để tiến tới hình thành các sản phẩm và công cụ đầu tư, quản lý rủi ro mới, hấp dẫn, đa dạng hơn; qua đó góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua cơ chế đấu giá minh bạch, hiện đại và gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết, TTCK đã góp phần quan trọng vào quá trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của các DN niêm yết, DN có chứng khoán giao dịch và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. 

Hiện nay, thành viên tham gia TTCK ngày càng đa dạng với 83 công ty chứng khoán, 31 quỹ đầu tư chứng khoán, tiến tới là quỹ tín thác đầu tư. Các loại hình quỹ mới được phát triển nhằm thúc đẩy tính chuyên nghiệp, sự phân bổ hiệu quả nguồn lực vốn đầu tư, tạo sức cầu bền vững và độ sâu của thị trường. Cùng với đó, các trung gian hỗ trợ như: Trung tâm Lưu ký, ngân hàng lưu ký, công ty tư vấn, kiểm toán ra đời đã phục vụ đắc lực cho quá trình vận hành của thị trường. 

Hòa mình vào xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, TTCK đã phát triển một cách mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. TTCK Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE Rusell đến năm 2023…

Cần có sự đột phá cả về quy mô và chất lượng

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để TTCK Việt Nam thực sự lớn về quy mô, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp với thế giới, cần cải thiện tính ổn định và thanh khoản của thị trường. 

Bên cạnh đó, thể chế chi phối hoạt động và tính tuân thủ, minh bạch của TTCK cần được hoàn thiện, đồng bộ và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn nữa; nhất là các hướng dẫn triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 và Chiến lược phát triển TTCK 2021-2030, trong đó cần chú trọng xây dựng chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn)...

Ngoài ra, nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường còn chưa phong phú, chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán chưa cao; nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư) chưa nhiều; nguồn nhân lực còn thiếu cả về số lượng và chất lượng so với tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập...

Vừa qua, tại Lễ Kỷ niệm 20 năm hoạt động TTCK Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu đối với TTCK sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống ngân hàng. 

“Ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao mang tầm vóc khu vực, toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại phát triển thịnh vượng trong 15 - 20 năm tới và tầm nhìn tới năm 2045” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng rằng, với sức trẻ, kinh nghiệm và thành quả quý giá của tuổi 20, ngành chứng khoán và TTCK Việt Nam hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, có đủ điều kiện và sẵn sàng vượt qua sóng gió để tiếp tục ra khơi, chinh phục biển lớn.

HỒNG NHUNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201