Thứ Ba, 7/5/2024 - 18:36:49 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Tận dụng nền tảng kỹ thuật số để tiếp tục phát triển

THỨ BA, 26/03/2019 09:10:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng phi thường trong lĩnh vực bán lẻ. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai khi Việt Nam có tới 40% dân số dưới độ tuổi 24 và hành vi tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ. Theo ước tính đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia ở khu vực Đông Nam Á, điều này đồng nghĩa với việc các kênh bán lẻ kỹ thuật số tại Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và quy mô

Theo Báo cáo Bán lẻ tại Việt Nam 2019 do Deloitte công bố mới đây, Việt Nam đã có sự tăng trưởng bán lẻ nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 10,97% (2013-2018). Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tăng 26,6% so với năm 2018, khi dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng trưởng mạnh.

Thời gian qua, do môi trường đầu tư thuận lợi, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã tăng quy mô hoạt động tại Việt Nam thông qua việc áp dụng các chiến lược mở rộng khác nhau, bao gồm: mua bán, nhượng quyền thương mại và mô hình hợp tác khác. Cụ thể: Vingroup đã mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn như: Ocean Mart, MaxiMark, Vinatexmart, Fivimart và Viễn Thông A để tăng doanh thu bán lẻ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thành công trong một số giao dịch mua bán để tiếp tục kế hoạch mở rộng trên thị trường, như: Central Group mua lại BigC Việt Nam, TCC mua lại METRO Cash & Carry Việt Nam, ACA Investments mua 20% cổ phần của Bibo Mart...

Hiện tại, Việt Nam đã có gần 200 trung tâm thương mại được điều hành bởi cả DN trong và ngoài nước. Các trung tâm thương mại này có nhiều cơ sở khác nhau, bao gồm nhiều dịch vụ giải trí và mua sắm. Ở phân khúc thấp hơn, cửa hàng tiện lợi với sự gần gũi và thuận tiện đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của kênh thương mại truyền thống. Trên khắp Việt Nam, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012, sức hấp dẫn của các cửa hàng tiện lợi thu hút sự chú ý của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo ước tính, tăng trưởng của các cửa hàng tiện lợi Việt Nam sẽ vượt xa nhiều nền kinh tế lân cận, với tốc độ tăng trưởng là 37,4% trong giai đoạn 2017-2021. Đứng trước cơ hội tăng trưởng rất lớn này, Vingroup đã có kế hoạch mở 4.000 cửa hàng tiện lợi đến năm 2020; Saigon Co.op đã mua lại mạng lưới các cửa hàng tạp hóa nhỏ, chủ yếu ở khu vực nông thôn để mở rộng thị trường; đại gia bán lẻ 7-Eleven thì đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng lên 1.000 trong vòng 10 năm; trong khi Hàn Quốc GS25 bắt tay vào nỗ lực mở 2.500 cửa hàng trong 10 năm tới.

Xu hướng mua bán trực tuyến đang ngày càng phổ biến

Đứng thứ 6 toàn cầu về doanh thu năm 2018, theo đánh giá của Deloitte, thị trường TMĐT Việt Nam đã sẵn sàng để tiếp tục phát triển. Hiện tại, doanh số bán hàng trực tuyến từ DN đến người tiêu dùng chiếm tỷ lệ khiêm tốn 3,6% trên tổng doanh số bán lẻ toàn quốc, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng vọt lên 5% vào năm 2020, với tổng giá trị là 10 tỷ USD. Trong khi đó, các kênh từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng hoặc các kênh thương mại xã hội cũng đang ngày càng trở nên phổ biến. Nền tảng truyền thông xã hội như: Facebook, Instagram và Zalo đã giúp người mua tương tác trực tiếp với người bán, chia sẻ thông tin, hình ảnh và đánh giá hoặc khuyến nghị trong thời gian thực. Ngoài ra, mạng xã hội còn hỗ trợ người tiêu dùng tìm kiếm đánh giá và so sánh các sản phẩm, đây là điểm mạnh mà người tiêu dùng rất quan tâm. 

Với xu hướng công nghệ số bùng nổ hiện nay, người tiêu dùng đang góp phần thúc đẩy việc mở rộng thị trường TMĐT Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vì họ dành nhiều thời gian mua sắm trên các thiết bị kỹ thuật số hơn là đến cửa hàng truyền thống. Gần 3/4 số người tham gia khảo sát của Deloitte cho biết, họ đã rất quen thuộc với mua sắm trực tuyến. Phần lớn người tham gia khảo sát đánh giá mua sắm trực tuyến rất thuận tiện, truy cập vào nhiều loại sản phẩm hơn, tiết kiệm thời gian, có thể mua sắm từ bất cứ đâu miễn là có điện thoại và internet.

Theo báo cáo của Deloitte, năm 2018, chi tiêu trung bình hằng năm cho một người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam là 350 USD, gần gấp đôi con số 186 USD năm 2017. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang dần quen với các giải pháp thanh toán trực tuyến. Hiện tại, 50% tổng chi phí TMĐT được xử lý thông qua thanh toán thẻ và các phương thức không dùng tiền mặt mới. Ước tính, thanh toán bằng ví điện tử sẽ chiếm 28% tổng doanh số TMĐT tại Việt Nam năm 2019.

Các chuyên gia của Deloitte nhận định, với sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang triển khai nhiều cách khác nhau để tận dụng làn sóng tăng trưởng này. Tuy nhiên, khi thực hiện, các nhà đầu tư phải ghi nhớ các mục tiêu để phát triển lâu dài, bền vững. Bởi, mặc dù TMĐT của Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển chưa được khai thác hết nhưng đây cũng là lĩnh vực cạnh tranh lớn, đó là chưa kể đến việc phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập thương hiệu dưới hình thức tiếp thị và quảng cáo. Bên cạnh đó, các DN cần xem xét việc tích hợp các kênh truyền thống với kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm toàn diện và liền mạch cho người tiêu dùng. Thêm nữa, các DN cần tận dụng tối đa giải pháp thanh toán thông minh, đồng thời đầu tư vào bảo mật dữ liệu bởi việc thiếu các giao dịch an toàn là một trong những trở ngại chính của mua sắm và thanh toán trực tuyến. Muốn thành công, các DN cần đổi mới nhanh hơn nữa, tạo nên những trải nghiệm khác biệt nhằm thu hút và lôi kéo, dẫn dắt người tiêu dùng trong bối cảnh kỹ thuật số đang bùng nổ tại Việt Nam.

NGUYỄN LY
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201