Thứ Năm, 25/4/2024 - 03:26:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hướng đi nào cho ngành du lịch Việt Nam sau “ Mùa đại dịch”?

THỨ NĂM, 09/04/2020 18:21:04 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO)- Đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới khiến ngành du lịch đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử.

 

Ảnh minh họa.


Ngành du lịch biến mất trong “mùa đại dịch”

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng 16,2% so với năm 2018, cao thứ hai trong khu vực chỉ sau Myanmar (23%). Trong đó các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều duy trì mức tăng trưởng cao 2 chữ số.

Bước sang năm 2020, nối tiếp đà tăng trưởng ấn tượng, du lịch Việt Nam được kỳ vọng là sẽ tạo nên kỷ lục mới. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 830.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cú sốc của đại dịch Covid-19 đã khiến cho mọi hoạt động du lịch gần như “biến mất”.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến cảnh ngành du lịch gần như tê liệt. Các nước trong đó có Việt Nam đều nỗ lực thắt chặt các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh người nước ngoài và thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Ở Việt Nam, số lượng khách quốc tế đến du lịch trong 3 tháng qua giảm sâu chưa từng có.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, riêng quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hai thị trường khách trọng điểm là Trung Quốc và Hàn Quốc giảm tới trên 90%. Cụ thể, khách Trung Quốc đạt 33.200 lượt, giảm 91,5%; khách Hàn Quốc đạt 28.700 lượt, giảm 91,4%.

So với cùng kỳ năm 2019, khách quốc tế đến từ các châu lục đều giảm mạnh, trong đó khách đến từ châu Á giảm 77,2%, châu Âu giảm 27,5%, châu Mỹ giảm 67,9%, châu Úc giảm 49,9% và châu Phi giảm 37,8%.

Trước đó, Tổng cục du lịch cũng ước tính đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch thiệt hại tới 7 tỷ USD. Thế nhưng, với đà dịch bệnh lan rộng và có khả năng kéo dài trong thời gian tới, con số này chắc chắn sẽ không dừng lại.
 

Các khu du lịch vắng bóng người- Ảnh: Internet


Doanh nghiệp du lịch điêu đứng

Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho hay, lượng khách mua tour giảm mạnh, tình trạng hủy tour lớn chưa từng có. Công ty Lữ hành Saigontourist tháng 2 giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu sụt giảm 500 tỷ đồng/tháng; Vietravel tháng 2 giảm 40%, tháng 3 giảm 80%, tháng 4 giảm 90% tổng lượng khách; Hanoitourist giảm 70-80% khách…

Ông Nguyễn Ngọc Toản - giám đốc Công ty Images Travel cho biết, khó khăn của Công ty hiện nay chính là xử lý công nợ với đối tác là nhà hàng, khách sạn và hãng hàng không với gần trăm tour bị hủy trong tháng 3 và hơn ngàn lượt du khách.

"Chúng tôi đang có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng tiền cọc vé máy bay với một hãng hàng không trong nước. Đây là vé bay nội địa của những hành khách quốc tế vào Việt Nam, nhưng do chúng ta đóng cửa chống dịch nên những du khách này không thể vào du lịch như dự kiến. Vậy mà đến nay chúng tôi không thể hoàn, hủy, nhận lại tiền vé. Chỉ riêng chi phí hủy vé cũng bị trừ đến 350.000 đồng/vé, với số khách trong mùa cao điểm, số tiền này nhân lên là rất lớn" - ông Toản cho biết.

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội cho thấy, 98% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.

Thực tế, để mưu sinh, nhiều dẫn viên trong nước đã phải chuyển đổi “mô hình kinh tế,” ban giám đốc của nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng nháo nhác “tái cơ cấu”.
 

Những con phố đông đúc trước đây đều trở nên yên tĩnh trong mùa dịch- Ảnh: Internet


Mất bao lâu và giải pháp nào giúp ngành du lịch vượt qua cơn bão Covid-19?

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải cuối tháng 6/2020, sau đó cũng cần ít nhất 7 tháng để ngành du lịch phục hồi lại các hoạt động như trước, tức là đầu năm 2021.

Theo kịch bản này, khách quốc tế sẽ giảm thêm khoảng 1,5 triệu lượt nên cả năm 2020 sẽ đạt từ 10-11 triệu. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,7 tỷ USD. Khách nội địa dự kiến giảm tối thiểu 60% so với kế hoạch của năm 2020, chỉ đạt 36 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD.

Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt khoảng 410 nghìn tỷ đồng, thiệt hại 420 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

Cũng nhận định về khả năng phục hồi sau đại dịch, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.

Do đại dịch Covid-19 có quy mô lớn và có tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ phục hồi chậm nhưng ổn định.

Đối với thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tiếp theo là khách du lịch tự do và khách du lịch kết hợp tham dự hội nghị, sau cùng là khách du lịch theo nhóm.

Về hướng giải quyết cho bài toán du lịch sau đại dịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, hiện đơn vị này đang phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lấy ý kiến các địa phương, doanh nghiệp về chương trình kích cầu du lịch Việt Nam.

Hai bên cũng đồng thời xây dựng Kế hoạch xúc tiến du lịch nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Toàn ngành cũng xác định nhiệm vụ quan trọng nhất, trực tiếp, trước mắt là chống dịch, bảo vệ doanh nghiệp du lịch và bảo vệ khách du lịch trước hậu quả của dịch.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đã gửi đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại để có thể cầm cự, chờ đợi phục hồi, góp phần giúp ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.

Theo đó, Bộ đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý I, II và III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV/2020 và quý I/2021…

Ngoài ra, nhà quản lý cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019-2020 đến hết tháng 6/2021; giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ; triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí): Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới…

Những giải pháp này nếu thực tế được triển khai đồng bộ, có thể giúp ngành du lịch ổn định trở lại.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đại dịch Covid-19 đã gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho du lịch nhưng cũng nhờ đó mà Việt Nam có điểm dừng để nhìn lại, thêm kinh nghiệm về cơ cấu ngành, thị trường khách sao cho phù hợp có thể giúp giảm thiểu thiệt hại từ các tình huống rủi ro trong tương lai. Có thể những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính vững vàng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước.

AN CHI (tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201