Thứ Năm, 02/5/2024 - 09:38:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Giá dầu tác động làm giảm thu ngân sách

THỨ TƯ, 18/03/2020 17:06:33 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Giá dầu thô thế giới giảm sâu trong thời gian qua, theo đánh giá của Bộ Tài chính, sẽ tác động làm giảm thu NSNN. Bộ Tài chính sẽ có kịch bản đánh giá tổng thể tác động này; đồng thời đã cơ cấu lại các khoản thu NS theo hướng bền vững hơn.

Việc giá dầu giảm sẽ dẫn đến nguồn thu ngân sách sụt giảm, do đó, phải điều chỉnh cân đối ngân sách


Sẽ có kịch bản đánh giá tổng thể

Giá dầu thô thế giới sau một thời gian giảm sâu, những ngày gần đây xoay quanh mốc khoảng 32 USD/thùng. Tuy trồi sụt nhất định, nhưng nhìn chung, giá dầu thô thế giới vẫn giảm mạnh so với dự kiến. Theo tính toán, trong tuần qua, giá dầu WTI giảm khoảng 23% và dầu Brent giảm khoảng 25%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay.

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), từ đầu năm, giá dầu dự báo là khoảng 60 USD/thùng, nay giảm mạnh sẽ tác động làm giảm thu ngân sách. Để đánh giá, Bộ Tài chính sẽ có kịch bản cụ thể về tác động giá dầu tới thu ngân sách. Mức dự báo giá dầu tác động tới ngân sách có thể xoay quanh từ 35-50 USD/thùng.

Ông Nguyễn Minh Tân cũng chia sẻ thêm, bình thường giá dầu thô giảm, một mặt sẽ tác động tới giảm thu ngân sách, nhưng mặt khác nền kinh tế sẽ được lợi do chi phí đầu vào giảm. Tuy nhiên, ở vào thời điểm dịch Covid-19, trong khi sản xuất bị đình trệ thì dường như việc giảm giá dầu không mang lại nhiều hiệu quả tích cực như thế.

Lý giải của vị lãnh đạo Vụ NSNN là có cơ sở khi những năm gần đây, do cơ cấu lại nguồn thu, thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu đã giảm dần (đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô), nên mặc dù có tác động tới NSNN, nhưng không tác động quá lớn. Nguồn thu từ dầu thô đã giảm dần qua các năm. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu NSNN, thì đến giai đoạn 2016-2018 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4%. Đến năm 2019, thu từ dầu thô ước 3,2% tổng thu NSNN. Dự toán năm 2020, thu từ dầu thô là 35,2 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối NSNN, giảm 11,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2019, trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính khoảng 9,02 triệu tấn.

Trong thực hiện thu NSNN nguồn thu từ dầu thô thực hiện tháng 2 ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán. Với kết quả nêu trên, thu từ dầu thô 2 tháng đã tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019. Sở dĩ có mức tăng nêu trên là do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu Việt Nam thanh toán bình quân 2 tháng vẫn duy trì ở mức 68 USD/thùng, cao hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng ước đạt 1,8 triệu tấn, bằng 19,9% kế hoạch.

Cơ cấu thu bền vững hơn nhờ tăng thu từ nội địa

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc giá dầu giảm sẽ dẫn đến nguồn thu ngân sách sụt giảm, do đó, phải điều chỉnh cân đối ngân sách. Theo ông, giá dầu thô thế giới theo dự đoán của các tổ chức quốc tế, còn có thể giảm sâu tới khoảng 20 USD/thùng. Việc giá dầu giảm trong thời gian bao lâu, trước khi hồi phục cũng là một vấn đề. Mặc dù, thu từ dầu thô chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu cân đối ngân sách, tuy nhiên, giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu, cho nên đặt ra bài toán phải tính toán, cân đối lại ngân sách.

Những lo ngại giá dầu giảm tác động tới tổng thu ngân sách là có cơ sở. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính đã cơ cấu lại các khoản thu NSNN theo hướng bền vững hơn. Trong đó, đẩy mạnh tăng thu từ nội địa trong tổng thu NSNN. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, thu nội địa chiếm khoảng 68,7% tổng thu NSNN, thì giai đoạn 2016 - 2020 đã lên tới 81,5%; dự kiến năm 2020 là khoảng 84%.

Cùng với đó, công tác quản lý thu đã được tăng cường. Trong điều hành, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, hải quan với cấp ủy, chính quyền địa phương trong rà soát, quản lý chặt các nguồn thu; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Xác định muốn có nguồn thu bền vững, phải hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó có cơ sở để tăng thu ngân sách. Năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tế, sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.
 
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201