Thứ Sáu, 19/4/2024 - 15:36:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp vẫn gặp khó bởi cơ chế, chính sách

THỨ HAI, 14/01/2019 09:10:00 | THỊ TRƯỜNG
(BKTO) - Năm 2018, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn trong nước đã quan tâm tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn, quy mô của các DN nông nghiệp còn hạn chế.

Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất thấp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, số DN trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới là 2.200 DN, tăng 12,3% so với năm 2017. Tổng số DN nông nghiệp hiện nay là 9.235 DN, cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, nông - lâm - thủy sản là 1 trong 2 lĩnh vực có số lượng DN quay lại hoạt động cao hơn so với số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước nâng cao năng lực. Năm 2018, đã có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông - lâm - thủy sản. 

Mặc dù DN tăng lên nhưng con số này vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chiếm hơn 1%) trong tổng số các DN cả nước; có tới hơn 95% số DN nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các DN nông nghiệp còn thấp. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 75% DN đang sử dụng máy móc hết khấu hao; các DN trong nước, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu hai - ba thế hệ. Mối liên kết giữa DN và nông dân hay các tổ chức đại diện cho nông dân thiếu bền vững, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân thừa nhận, sức hút để DN bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp còn kém. Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là cơ chế pháp lý trong mối quan hệ giữa DN với nông dân; lãi suất hỗ trợ đầu tư còn nhiều khó khăn, thị trường đất nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn gây khó cho DN. Điều này cản trở sản xuất lớn, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Chính sách thuận lợi là động lực cho doanh nghiệp

Phản ánh những khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, đại diện Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tiền phong Thừa Thiên - Huế cho rằng, sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung, lâm nghiệp nói riêng chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; sản xuất kinh doanh lâm nghiệp chu kỳ dài, rủi ro càng lớn hơn, vòng quay tiền vốn chậm (rủi ro về vốn), do đó, hiệu quả sẽ không cao so với ngành nghề kinh doanh thông thường. Mặt khác, đất đai cho phát triển sản xuất biến động, xu hướng giảm, quy hoạch thay đổi do nhu cầu phát triển của xã hội; yêu cầu quản trị DN ngày càng cao, hiệu quả kinh doanh của DN năm sau phải cao hơn năm trước để đảm bảo phát triển, từ đó dẫn đến việc trồng rừng, kinh doanh rừng chu kỳ dài gặp không ít thách thức.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng - một doanh nhân có ý định khởi nghiệp trong ngành trồng rau củ quả, cũng gặp khó khăn khi tiếp cận các thủ tục về vốn và đất đai. Theo anh Dũng, đầu tư vào nông nghiệp là sẽ đối diện nhiều rủi ro, khi mà năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, đất đai. Khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, DN phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Trong các khâu sản xuất, tiêu thụ, DN đều phải tự liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, hầu như các chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều.

Với thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp cần mạnh mẽ hơn, bởi đây là con đường tất yếu cho ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Nếu không thu hút DN đầu tư, tạo chuỗi liên kết giá trị thì sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục bấp bênh, không bền vững. Hơn nữa, để ngành nông nghiệp tăng tốc, bứt phá, thể chế, chính sách cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy phát triển.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu, phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào Top 10 của thế giới; trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới. Muốn làm được vậy, một trong những giải pháp là phải phát huy vai trò của DN, hiệp hội, ngành hàng mạnh mẽ hơn để đưa các DN đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để gỡ nút thắt cho nông nghiệp phát triển.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201