Thứ Ba, 10/9/2024 - 18:39:10 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Công tác quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý: Kỳ I - Để mất rừng nghiêm trọng

THỨ NĂM, 17/05/2018 15:05:00 | QUA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Trong Thông báo kết quả kiểm toán “Chuyên đề công tác quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý” gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, KTNN đã nêu rõ thực trạng và chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

Tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chậm

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh quản lý trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cũng như ban hành Kế hoạch thực hiện Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh quản lý giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện chuyển 6 công ty thành công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên đối với 9 công ty; chuyển 1 công ty lâm nghiệp thành ban quản lý rừng phòng hộ theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu.

Qua thực tế kiểm toán, KTNN đánh giá, tiến độ sắp xếp, đổi mới DN nông, lâm nghiệp của địa phương theo Nghị định của Chính phủ còn chậm. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất cũng chậm, có trường hợp UBND tỉnh quyết định chuyển đổi DN khi chưa có phương án sử dụng đất được phê duyệt, không chấp hành đúng quy định của Bộ Tài chính. Việc xác định giá trị DN cũng còn sai sót do chưa xác định đầy đủ tài sản nhà nước tại DN; xác định sai đơn giá nhân công dẫn tới tính sai suất đầu tư nông nghiệp; xác định không đúng hệ số chu kỳ khai thác của vườn cây kinh doanh; xác định giá trị thanh lý vườn cây cao su không phù hợp, xác định thiếu giá trị cây muồng chắn gió, giá trị quyền sử dụng đất; phân loại vườn cây chưa đúng quy định.

Đồng thời, việc góp vốn điều lệ của các đối tác trong các công ty TNHH hai thành viên chưa đầy đủ, kịp thời theo Luật DN; nhiều công ty mới thành lập không triển khai sản xuất theo kế hoạch do đất đã được giao khoán hoặc bị lấn chiếm chưa thu hồi được.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt giá trị DN để cổ phần hóa theo quy định đối với các công ty nông, lâm nghiệp do địa phương quản lý, trong đó điều chỉnh tăng thêm gần 479 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn) của 4 công ty TNHH một thành viên. Riêng đối với Công ty TNHH một thành viên Cao su Đắk Lắk, KTNN xác định giá trị thanh lý cây cao su của Công ty này thấp hơn giá trị tính toán theo giá thanh lý cây cao su tại thời điểm tháng 9/2017 số tiền xấp xỉ 397 tỷ đồng. Vì vậy, KTNN đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khi phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá cổ phiếu của Công ty cần tính toán phần giá trị thấp hơn này để điều chỉnh tăng giá khởi điểm tương ứng, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

Để mất hàng chục nghìn héc - ta rừng

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ rừng, KTNN cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định giao đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng đối với các DN lâm nghiệp, nhưng không chỉ đạo thực hiện kiểm kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng gỗ của từng loại rừng để gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng với các công ty lâm nghiệp được giao quản lý rừng. Kết quả thống kê, kiểm kê rừng năm 2010, địa phương cũng không tổ chức phân loại rừng, đánh giá trữ lượng gỗ của từng loại rừng và lập báo cáo diễn biến tài nguyên rừng theo đúng quy định tại Điều 40, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ. 

Đến đợt kiểm kê năm 2014, UBND tỉnh mới chỉ đạo phân loại, đánh giá trữ lượng gỗ. Do đó, trong suốt 10 năm qua, tỉnh không đánh giá được việc suy giảm trữ lượng rừng để làm cơ sở xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc rừng bị phá, suy giảm trữ lượng, góp phần làm cho tình trạng chặt phá rừng tại các công ty lâm nghiệp trực thuộc diễn ra liên tục hàng chục năm qua với mức độ nghiêm trọng.

Kết quả kiểm kê rừng năm 2014 cho thấy, tổng diện tích rừng tự nhiên của Đắk Lắk đã giảm hơn 67,1 nghìn ha (trong đó: giao về địa phương (huyện, xã) quản lý là 20,8 nghìn ha, chuyển mục đích sử dụng rừng 13,6 nghìn ha và do nguyên nhân khai thác trái phép, đốt, phá rừng… lên đến 32,7 nghìn ha); đất trống tăng 51,7 nghìn ha.

Tại một số đơn vị có số liệu kiểm kê biến động rừng giai đoạn 2014-2016, diện tích rừng bị mất vẫn tiếp tục gia tăng rất nghiêm trọng, đặc biệt là các công ty trên địa bàn huyện Ea Súp, mất thêm 10,6 nghìn ha (giai đoạn 2015-2016, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ea Hmơ bị mất hơn 2 nghìn ha rừng; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ya Lốp mất 871 ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Rừng Xanh mất gần 5 nghìn ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Chư Ma Lanh mất 2,6 nghìn ha), nâng tổng diện tích rừng khai thác trái phép, bị đốt, phá tính đến cuối năm 2016 lên đến hơn 43,5 nghìn ha. 

Về diện tích 20,8 nghìn ha rừng tự nhiên giao về địa phương quản lý, theo báo cáo của các huyện, phần lớn đất rừng tự nhiên bàn giao không còn rừng tự nhiên. Như vậy, nếu tính cả phần diện tích đã mất rừng bàn giao về địa phương thì tính đến hết năm 2016, diện tích rừng tự nhiên do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý đã bị mất lên đến hơn 64 nghìn ha, nếu tính theo đơn giá trồng rừng mới do UBND tỉnh Đắk Lắk quy định (84,6 triệu đồng/ha) thì giá trị tối thiểu của phần diện tích rừng đã mất này là hơn 6,4 nghìn tỷ đồng.
 
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiến nghị về xử lý các khoản chênh lệch thu, chi NSNN, các khoản phải nộp NSNN, các khoản xuất toán với tổng số tiền 609,3 tỷ đồng. Trong đó, truy thu, nộp NSNN gần 54,5 tỷ đồng tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; giảm thanh toán, dự toán năm sau 34,5 tỷ đồng kinh phí và nhu cầu vốn cắm mốc, đo vẽ bản đồ địa chính; kiến nghị xử lý tài chính khác trên 520,3 tỷ đồng (nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 41,4 tỷ đồng, điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước tại DN 478,9 tỷ đồng).

ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201