Thứ Sáu, 19/4/2024 - 02:18:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

BT - qua kết quả và góc nhìn kiểm toán

THỨ HAI, 30/10/2017 10:10:00 | QUA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Cơ chế đầu tư BT đã bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém, dễ bị biến tướng và tạo cơ hội cho lợi ích nhóm. Những lỗ hổng pháp lý gây thất thoát trong quá trình đầu tư, thi công công trình, cùng với thất thoát từ các khu đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư khiến Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép”.

Dẫn kết quả kiểm toán thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Trương Hải Yến cho biết, qua kiểm toán 21 dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).

Từ thực tiễn kiểm toán một số dự án BT, PGS.TS Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V - cho biết, một số dự án BT sau khi hoàn thành lại trở thành “biểu tượng” cho sự lãng phí nguồn lực của Nhà nước, như Dự án Bảo tàng Hà Nội; Dự án xử lý nước thải Yên Sở (TP. Hà Nội)… Với Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội, KTNN đã phát hiện và kiến nghị giảm trừ hơn 18 tỷ đồng. Với Dự án xử lý nước thải Yên Sở, KTNN đã đề nghị điều chỉnh giảm giá trị báo cáo quyết toán hoàn thành tương đương 61,9 triệu USD.

Qua kiểm toán 4 dự án đầu tư theo hình thức BT trong lĩnh vực giao thông, đại diện KTNN chuyên ngành IV nêu rõ, vấn đề nổi lên là việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư của các dự án chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý gần 3,9 tỷ đồng (do áp dụng hệ số các chi phí chuẩn bị dự án, quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác chưa phù hợp). Ngoài ra, một số nội dung thiết kế chưa phù hợp với tiêu chuẩn, giải pháp thiết kế không phù hợp thực tế, tính sai khối lượng, thiết kế biện pháp thi công không hợp lý đã làm tăng chi phí đầu tư. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán áp dụng không đúng định mức, đơn giá, xác định khối lượng dự toán chưa chính xác làm tăng dự toán công trình, qua kiểm toán phát hiện giá trị sai sót tại các dự án lên tới 118 tỷ đồng. Công tác quản lý chi phí đầu tư của các dự án đều tồn tại sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá…, qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 156 tỷ đồng.

Còn ông Trần Minh Tiến - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - dẫn chứng, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định, Hà Nam) tại thời điểm ký kết hợp đồng vốn chủ sở hữu (theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán) chỉ đạt 5,9% tổng mức đầu tư. Tại thời điểm kiểm toán, Dự án đã hoàn thành trên 74% giá trị và vốn chủ sở hữu đã sử dụng chỉ đạt 7,536% tổng mức đầu tư theo hợp đồng BT. Trong khi đó, theo quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện Dự án được huy động theo tiến độ thỏa thuận trong Hợp đồng Dự án và phải đạt tỷ lệ tối thiểu 10%. Một số nhà đầu tư khác tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế như Công ty Cổ phần Tasco đối với Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (TP. Hà Nội), Công ty Bitexco đối với Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (TP. Hà Nội)…

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong suốt quá trình từ đề xuất chủ trương, thực hiện dự án đến khi hoàn thành và bàn giao công trình BT. Bà Trương Hải Yến cho biết, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu. Điều này làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Hơn nữa, việc quản lý, thực hiện dự án BT được giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán; nhà đầu tư tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát nên không đảm bảo tính khách quan; công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công, thực hiện dự án, chất lượng dự án kém. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, công trình BT thường được thanh toán bằng quỹ đất “vàng”, có giá trị sinh lời cao. Trong khi đó, mỗi địa phương lại sử dụng phương pháp định giá khác nhau và thường định giá thấp hơn giá thị trường, đây là rủi ro thất thoát trong thực hiện dự án BT. Thời điểm thanh toán tiền sử dụng đất và thời điểm hoàn thành công trình cách xa nhau, cho nên giá đất đã thanh toán chênh lệch lớn với giá đất khi dự án hoàn thành.

Để khắc phục những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm khắc phục tình trạng chỉ định thầu, quy định chặt chẽ về đánh giá năng lực khi lựa chọn nhà đầu tư dự án BT; hoàn thiện cơ chế xác định giá trị công trình, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư và chi tiết hóa hợp đồng BT; chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán các hạng mục thuộc dự án; hạn chế việc sử dụng định mức đơn giá không phù hợp, sử dụng vật liệu đặc thù, phê duyệt các biện pháp thi công gây lãng phí. Đồng thời, cần quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát và quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Từ góc độ KTNN, các chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT, lấp đầy những khoảng trống và khoảng chồng chéo bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính, đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng, về định giá đất đai trả cho nhà đầu tư; kiểm toán tuân thủ nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT; kiểm toán hoạt động để đánh giá việc lựa chọn phương án đầu tư phù hợp... KTNN cần xây dựng quy trình kiểm toán PPP nói chung và hợp đồng BT nói riêng, chú trọng kiểm toán các dự án BT ngay từ khâu lập chủ trương đầu tư, cho đến công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, hoàn thành quyết toán và kết thúc việc thanh toán.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, KTNN sẽ tăng thêm nhiều cuộc kiểm toán các dự án PPP nói chung và dự án BT nói riêng nhằm tạo sự an tâm và tin tưởng của xã hội, của công chúng đối với các hoạt động đầu tư có yếu tố tư nhân, góp phần thúc đẩy công tác quản lý, quản trị công hướng tới mục tiêu minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực, an toàn và bền vững.

H.THOAN - L.HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201