Thứ Ba, 30/4/2024 - 23:53:37 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Việt Nam gia nhập thị trường lao động ASEAN: “Nước đã đến chân”

THỨ NĂM, 21/01/2016 16:35:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thiết lập vào ngày 31/12/2015 là thị trường lao động. “Nước đã đến chân” và ngay lúc này, Việt Nam cần phải nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức để lựa chọn con đường phù hợp gia nhập vào thị trường lao động khu vực. Vấn đề này một lần nữa trở thành đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các DN cũng như các nhà hoạch định chính sách những ngày gần đây.


Thị trường lao động Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực. Ảnh: TK

Cộng đồng AEC nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài. Cùng với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội thuận lợi khi thị trường lao động khu vực hình thành.

Tại Hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam khi hình thành Cộng đồng kinh tế AEC” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Tập đoàn kinh tế đa quốc gia Manpower (Mỹ) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: AEC giúp thị trường lao động các nước trong khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Riêng Việt Nam, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2025, số việc làm có thể tăng lên 14,5%, tương đương 14,5 triệu lao động có cơ hội tìm được việc làm. Còn theo ông Nguyễn Quang Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), một trong những lợi ích thiết thực khi AEC được thành lập là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng của các ngành nghề mà các nước đã công nhận lẫn nhau. Đến nay, AEC thống nhất 8 lĩnh vực lao động được di chuyển tự do khi công nhận trình độ lẫn nhau, gồm: dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán và du lịch.

Trong bối cảnh lượng lao động di cư trong khối tăng từ 1,5 triệu người năm 1990 lên hơn 6,5 triệu người năm 2013, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn về di cư lao động và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nhiều khảo sát, nghiên cứu cho thấy, Việt Nam vẫn đang gặp phải không ít thách thức. Theo khảo sát của Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks mới đây, trong số những người cho rằng việc gia nhập AEC không có lợi, có tới 84% nghĩ rằng bất lợi lớn nhất là nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam và họ đều thông thạo tiếng Anh, thứ hai là vì có nhiều ứng viên để lựa chọn nên nhà tuyển dụng và DN có thể giảm mặt bằng lương bổng. Sự thiếu tự tin về năng lực sẽ là trở ngại đối với lao động Việt Nam khi gia nhập AEC. Bên cạnh đó, tại Hội thảo: “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - Cơ hội và thách thức” do Tổng cục Dạy nghề tổ chức ngày 18/01, thêm nhiều hạn chế của lao động Việt Nam được các chuyên gia đưa ra. Cụ thể, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của Việt Nam thấp, chỉ đạt 38,5%. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu rất nhiều lao động có tay nghề cao, công nhân kỹ thuật cao. Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề cụ thể. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cũng như chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động bất hợp lý, nhiều lao động trình độ đại học, ít trình độ lao động kỹ thuật trực tiếp cũng là những rào cản đối với Việt Nam khi gia nhập thị trường lao động chung của khu vực.

Đây không phải là lần đầu tiên những cơ hội cũng như thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam khi gia nhập AEC được nêu lên. Từ cách đây hơn 1 năm, khi các nước trong khu vực đang xúc tiến, chuẩn bị cho sự ra đời của AEC, thực tế này đã được các chuyên gia dự báo. Ở thời điểm AEC đã được thiết lập, một câu hỏi tiếp tục được các chuyên gia đặt ra là: Việt Nam cần phải làm gì để có thể tận dụng được những cơ hội, vượt qua thách thức khi gia nhập thị trường lao động ASEAN?

Các giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất gần đây cho thấy, trong bối cảnh “nước đã đến chân” lúc này là DN cần tích cực, chủ động nghiên cứu thị trường ASEAN, trong đó có thị trường lao động để có thể hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn nghề nghiệp, từ đó có kế hoạch tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với ASEAN để bảo vệ người lao động và thị trường trong nước, đồng thời biết cách tổ chức thị trường lao động sao cho có lợi nhất đối với người lao động Việt Nam… Đây có lẽ là những biện pháp trước mắt và cần thiết cho thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh AEC đã hình thành.
NGỌC MAI

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201