Thứ Sáu, 26/4/2024 - 07:43:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Trái phiếu xanh - kênh thu hút vốn đầy tiềm năng

THỨ SÁU, 02/11/2018 15:10:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Theo Tổ chức năng lượng quốc tế IEA, để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ/năm. Hiện nay, nguồn tài chính cho các dự án chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ sạch và thân thiện với môi trường đang là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia. Bởi vậy, trái phiếu xanh (TPX) đang được xem như một kênh thu hút vốn hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Hàng loạt lợi ích trước mắt

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tính tới năm 2020, mỗi năm cần phải đầu tư hơn 800 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả và các phương tiện phát thải thấp. Báo cáo mới đây từ tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative cho biết, tổng giá trị TPX được phát hành trong năm 2017 đã đạt mức cao kỷ lục là 155,5 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016, vượt xa con số dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 12/2017 là 130 tỷ USD. Mặc dù TPX hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trái phiếu toàn cầu, song nó vẫn thu hút nhiều sự quan tâm trong bối cảnh những mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD từ khu vực công và tư.
 
Lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại vì ngập lũ - Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Tại Việt Nam, hậu quả do biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ cũng như chu kỳ xảy ra thiên tai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho rằng, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng ước tính, sự gia tăng 1m của mực nước biển sẽ tác động đến đời sống của khoảng 20% dân số. Ngập lụt và xâm mặn do nước biển dâng sẽ làm thu hẹp diện tích đất canh tác trong nông nghiệp ở cả đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lượng làm cho chi phí sản xuất tăng cao.

Trong bối cảnh đó đó, TPX được xem như một giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỷ USD/năm cho việc phát triển một nền kinh tế sạch và bền vững, đem lại hàng loạt lợi ích cho người dân, DN và cả cơ quan quản lý nhà nước:

Đối với nhà đầu tư, thông qua việc tài trợ cho các dự án xanh, các nhà đầu tư thực hiện được cam kết với tư cách là bên ký kết các Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (Principles for Responsible Investment- PRI). TPX có thể làm tăng tính minh bạch trong việc sử dụng tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu, cũng như tính minh bạch về các tác động môi trường của các khoản đầu tư và các khoản thu nhập cố định từ dự án. Đặc biệt, nhờ đặc điểm rủi ro tài chính và lợi ích của TPX, các công ty sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn so với việc vay ngân hàng và linh hoạt hơn so với việc sử dụng vốn.

Đối với các địa phương, TPX có thể huy động nhiều nguồn lực tài chính để hỗ trợ các dự án môi trường, trong khi các nguồn tài trợ khác không có sẵn, hoặc không đem lại lợi ích kinh tế nếu được tài trợ bởi các nguồn vốn đắt hơn. Chính quyền địa phương và các công ty có thể thu được lợi nhuận từ sự gia tăng nhu cầu của các nhà đầu tư có trách nhiệm xã hội, điều này thể hiện thông qua việc đăng ký mua trái phiếu. Bên cạnh đó, thông qua TPX, các công ty và các cơ quan chính phủ có thể nâng cao danh tiếng của mình bằng cách xây dựng thương hiệu sáng tạo và bền vững.

Cuối cùng, TPX có thể tạo thuận lợi cho việc thiết lập quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, có thể đẩy nhanh tốc độ đầu tư xanh và dẫn tới việc áp dụng các công nghệ mới.

Những rủi ro đã được lường trước

Mặc dù lợi ích mang lại rất lớn, nhưng thực tế, các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tham gia vào thị trường TPX bởi một số hạn chế và rủi ro của công cụ này. Theo hai tác giả Nguyễn Thị Nhung và Trần Thị Thanh Tú - Đại học Quốc gia Hà Nội trong bài nghiên cứu “Điều kiện vận hành trái phiếu xanh và hàm ý cho Việt Nam” - sự không rõ ràng và thống nhất về khái niệm hay những đặc điểm tạo nên TPX là nguyên nhân chính làm các nhà đầu tư cảm thấy không an tâm khi lựa chọn hình thức đầu tư dài hạn này. Bên cạnh đó, thị trường TPX vẫn còn chưa minh bạch. Hiện chỉ có một số báo cáo mang tính chất “tự nguyện” được công bố mà chưa có chế tài nào yêu cầu các chủ thể tham gia công bố thông tin. Khi thị trường TPX phát triển, việc thiếu tính minh bạch sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Ngoài ra, TPX chưa được tích hợp tốt vào các quỹ, chỉ số và các sản phẩm tài chính khác, trong khi đó chi phí phát hành TPX rất cao.

Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã liệt kê các rủi ro chính của TPX, bao gồm: Rủi ro tín dụng của tổ chức phát hành- rủi ro liên quan đến khả năng tạo ra đủ dòng tiền để trả vốn và lãi suất theo thời gian; Sự thay đổi trong chi phí giao dịch và lệ phí phát hành; Sự thay đổi trong việc đánh thuế các công cụ thị trường nợ có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; Ưu đãi thuế có thể khuyến khích các nhà đầu tư mua TPX, nhưng mức thuế đánh vào các công cụ nợ có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu; Các nhà đầu tư luôn băn khoăn về tính minh bạch và việc đo lường lợi ích môi trường của các dự án mà TPX tài trợ cho dù các thông tin của TPX như dòng tiền, quy mô, thời hạn… đã rõ ràng; Các công ty phát hành TPX sẽ gặp rủi ro về uy tín khi có bất kỳ một trái phiếu được cho là “xanh” nào đó (có thể do các tổ chức khác phát hành) bị phát hiện không phải là “xanh”, điều này sẽ ảnh hưởng tới lòng tin của tất cả các nhà đầu tư.

Trong trường hợp TPX được phát hành ra nước ngoài, cần phải tính thêm rủi ro khác như thay đổi các quy định của thị trường nước ngoài về luồng vốn và vấn đề tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, xét về dài hạn, các thị trường nước ngoài có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường trong nước. Tuy nhiên, các rủi ro bổ sung này thường thấp hơn các khoản phát sinh trong việc phát hành trái phiếu ở các thị trường kém phát triển.

Nhóm các nhà đầu tư có tổ chức về thay đổi khí hậu (IIGCC) đã nêu ra một số vấn đề vướng mắc nữa của TPX, đó là: TPX có quy mô nhỏ, thanh khoản thấp và thời hạn ngắn trong khi đó các nhà đầu tư luôn có xu hướng ưu tiên đầu tư vào các tài sản dài hạn mang tính bền vững. Điều này cho thấy, đầu vào TPX không mang lại sự hấp dẫn đối với họ. TPX không những phải thỏa mãn các đặc tính của trái phiếu chính phủ (như tính thanh khoản hay sự cam kết của chính phủ) mà còn phải có mức lợi nhuận cao hơn trái phiếu DN.

Để triển khai và vận hành thị trường TPX

UNDP đã đưa ra khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường TPX nên tối thiểu hóa nguồn vốn đầu tư yêu cầu và chi phí hoạt động. Trong thực tế, các tổ chức phát hành dù là tư nhân hay nhà nước đều chịu nhiều chi phí khi phát hành trái phiếu. Tùy thuộc vào giá trị, sự phức tạp, đặc điểm của thị trường, thuế, rủi ro… việc phát hành TPX có thể tiêu tốn từ hàng nghìn tới hàng triệu USD. Trong nhiều trường hợp, tổng các khoản phí và thuế có thể đạt 5% giá trị mệnh giá. Ở một số nước đang phát triển, việc phát hành trái phiếu ở nước ngoài có thể rẻ hơn.

Tổ chức này cũng đưa ra khuyến nghị việc sử dụng TPX phải cân nhắc trong bối cảnh và thời gian phù hợp. TPX tốt nhất phù hợp với các dự án lớn, tạo ra dòng tiền trong một thời gian đầu tư dài như: vận chuyển cac-bon thấp, quản lý nước bền vững và năng lượng tái tạo... Thị trường trái phiếu đô thị đặc biệt phù hợp đối với TPX do trái phiếu đô thị hay thực hiện các dự án liên quan tới nước, chất thải… Đặc biệt, UNDP lưu ý việc phát hành TPX phải đảm báo tính minh bạch, rõ ràng; không cho phép lạm dụng TPX như là một phương tiện để đánh bóng tên tuổi của công ty hoặc đánh lừa các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Trên cơ sở xem xét lợi ích và rủi ro của việc triển khai và vận hành thị trường TPX, kết hợp điều kiện thực tế hiện nay tại Việt Nam, nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung - Trần Thị Thanh Tú đưa ra một số kiến nghị:

Trước tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý về TPX. Việc triển khai thành công của thị trường TPX đòi hỏi phải có sự chuẩn hóa, thể hiện rõ nhất là yêu cầu sự đầy đủ cả về “lượng” và “chất” của khung pháp lý. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam phải có những quy định rõ ràng và thống nhất về TPX, các yêu cầu minh bạch thông tin phải được làm rõ đối với các thành phần tham gia thị trường TPX…

Tính thanh khoản là một trong ba điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của thị trường TPX, trong khi để có được tính thanh khoản thì bản thân TPX phải tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư ở khía cạnh đảm bảo tính cam kết và đem lại mức lợi suất hấp dẫn. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam hiện nay, sự uy tín của các tổ chức tài chính trung gian như đơn vị bảo lãnh phát hành, cơ quan xếp hạng tín dụng… là sự đảm bảo mà các nhà đầu tư dựa vào đó để quyết định đầu tư, đặc biệt là đối với một sản phẩm rất mới như TPX. Vì thế, Việt Nam cần phải xác định rõ vai trò quan trọng của các tổ chức trung gian tài chính độc lập và có những biện pháp khuyến khích sự tham gia của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình triển khai và phát triển thị trường TPX phù hợp. Nghiên cứu của các tổ chức tài chính lớn chỉ ra rằng, thị trường tài chính nội địa phát triển chưa sâu hoặc hạn chế về tính thanh khoản sẽ không có ưu thế để phát hành TPX, bởi vậy phát hành TPX tại nước ngoài sẽ là lựa chọn phù hợp. Đây được coi là gợi ý chính đáng mà chúng ta cần cân nhắc. Ngoài ra, Việt Nam nên thực hiện tốt một số dự án xanh thí điểm, trong đó lưu ý tính minh bạch, rõ ràng, cũng như việc sử dụng số tiền vào đúng mục đích như cam kết ban đầu. Đây là giải pháp nhằm tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư và các thành phần tham gia có liên quan. Cùng với đó, ưu đãi thuế cũng nên là một giải pháp cần được áp dụng ở giai đoạn đầu triển khai thị trường TPX nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua TPX,

Ngoài ra, việc triển khai TPX và các công cụ tài chính xanh khác cần phải có sự hiểu biết, tình nguyện tham gia của các chủ thể trong nền kinh tế. Nhiều DN Việt Nam nhận thức về phát triển bền vững còn hạn chế, có DN còn cho rằng phát triển bền vững là chuyện của những DN lớn, nhiều tiền. Do vậy, các DN sẽ hướng tới mục tiêu lợi nhuận hơn là đầu tư cho các công nghệ sạch với chi phí đầu tư cao và thời gian hoàn vốn lâu hơn các khoản đầu tư truyền thống.

BẮC SƠN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201