Thứ Ba, 7/5/2024 - 08:29:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thúc đẩy cạnh tranh công bằng

THỨ NĂM, 04/06/2015 09:05:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Sửa đổi Luật Cạnh tranh (2004) trong đó bổ sung, làm rõ thêm những quy định về chống độc quyền, đồng thời nâng cấp vai trò của cơ quan quản lý, giám sát cạnh tranh là những khuyến nghị quan trọng được đưa ra tại Hội thảo “Thể chế quản lý và thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1/6 vừa qua.


Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là bước khởi đầu thực thi Luật Cạnh tranh trong ngành Điện. Ảnh: T.S  
 
Pháp luật cạnh tranh là một thành tố quan trọng

Theo TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, đối với Việt Nam, thể chế quản lý và thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng là một vấn đề còn rất mới. Sau 30 năm đổi mới, trọng tâm của cải cách trong thời gian tới sẽ nằm ở lĩnh vực thể chế thúc đẩy cạnh tranh, nhằm đưa thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển lên một mức cao hơn, đảm bảo cho thị trường tự do và cạnh tranh công bằng..

Tham gia vào dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, TS.Warren Mundy - Ủy viên Hội đồng Ủy ban Năng suất của Australia nhấn mạnh, điều quan trọng trong chính sách cạnh tranh là chính sách đó phải được xây dựng nhằm đem lại lợi ích cho tất cả cộng đồng. Nhìn trên bình diện rộng nhất, chính sách cạnh tranh là thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đưa ra được những định hướng ngăn ngừa hành vi phản cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển của các DN lớn, cũng như thúc đẩy nâng cao năng lực của các DN nhỏ và vừa.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng có 4 vấn đề lớn liên quan đến khung pháp luật cạnh tranh mỗi quốc gia cần phải có là: Luật Cạnh tranh; cơ cấu thể chế; sự minh bạch, uy tín và trách nhiệm giải trình; cách hành xử của cơ quan quản lý. Chia sẻ kết quả khảo sát liên quan đến pháp luật cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TS.Warren Mundy bày tỏ quan điểm, pháp luật cạnh tranh càng được áp dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế càng tốt và đối với những trường hợp ngoại lệ phải được quy định thật rõ ràng. DNNN và các hoạt động thương mại của Nhà nước cũng đều phải được điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh, những vi phạm phải bị xử lý - đây là quy định xuyên suốt trong khối OECD. Ngoài ra, vẫn có những trường hợp mà các quốc gia có thể cho hưởng ngoại lệ hoặc miễn trừ, khi xét đến cùng, hành vi có bản chất phản cạnh tranh đó là vì lợi ích công chúng. Tuy nhiên, các chính sách ngoại lệ, miễn trừ cũng cần thường xuyên được xem xét lại.

Xem xét kết quả khảo sát về hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho thấy có sự tương đồng lớn giữa các quốc gia được khảo sát đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Cơ quan quản lý cạnh tranh đưa ra các biện pháp thi hành theo cấp độ tăng dần là: trao quyền thu thập thông tin, các cam kết thi hành, các lệnh của tòa án, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự. Tùy trường hợp cụ thể, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể áp dụng ngay các biện pháp mạnh mẽ nhất như tố tụng dân sự, tố tụng hình sự. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, mức độ sẵn sàng trao các công cụ này cho cơ quan quản lý cạnh tranh là khác nhau. Trong đó, Australia được sử dụng tất cả các công cụ; New Zealand chỉ hạn chế công cụ “các cam kết thi hành”, Singapore, Mỹ và Canada không được trao công cụ “các cam kết thi hành”;  còn tại Việt Nam và Malaysia, các công cụ như “lệnh của tòa án, tố tụng dân sự” bị hạn chế và không được trao công cụ “tố tụng hình sự”.

TS.Warren Mundy khẳng định: “Pháp luật cạnh tranh không phải là thành tố duy nhất, nhưng lại là một thành tố rất quan trọng, của thể chế quản lý và thực thi các quy định cạnh tranh công bằng”.

Giải pháp thúc đẩy cạnh tranh công bằng tại Việt Nam

Đề cập tình trạng phản cạnh tranh thời gian qua, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) dẫn chứng ra một số vụ việc cụ thể: lãnh đạo một địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải trả lương cho cán bộ, nhân viên qua tài khoản của một ngân hàng được chỉ định; hoặc lãnh đạo một địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tiêu thụ xi măng của một DN đóng trên địa bàn, hay phải tiêu thụ sản phẩm bia của một DN đóng trên địa bàn... Ông Tuấn cho biết, đó là một số hành vi đã được Cục xử lý trong thời gian qua. Các địa phương liên quan đã phải ra một văn bản thu hồi văn bản cũ và ban hành một văn bản mới phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do công tác truyền thông về các vụ việc chưa được quan tâm đúng mức nên tác động đến dư luận xã hội chưa lớn.

Dựa trên những nghiên cứu, TS.Nguyễn Đình Cung đã đưa ra quan điểm: Việt Nam có một khoảng cách rất lớn về tư duy hoạch định chính sách cũng như điều hành pháp luật cạnh tranh so với các nước khác. Dù rằng Việt Nam cũng có Luật Cạnh tranh, có Cục Quản lý Cạnh tranh, có Hội đồng Cạnh tranh, nhưng Luật Cạnh tranh còn thiếu những quy định về chống độc quyền; Cục Quản lý cạnh tranh vẫn là cánh tay nối dài của cơ quan Nhà nước chứ chưa phải là cơ quan điều tiết độc lập để xử lý cả hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; còn Hội đồng Cạnh tranh gồm những thành viên kiêm nhiệm đến từ các cơ quan chức năng chứ không phải là những thành viên chuyên trách.

Cùng quan điểm trên, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Hội đồng Cạnh tranh cần liên kết với Cục Quản lý cạnh tranh có cuộc vận động thực sự để sửa đổi Luật Cạnh tranh, nâng cấp cơ quan quản lý, giám sát cạnh tranh nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm dụng khe hở của Luật Cạnh tranh để thống lĩnh thị trường.

HỒNG THOAN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201