Thứ Năm, 28/3/2024 - 23:10:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức

THỨ NĂM, 07/02/2019 15:05:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG


Theo số liệu vừa công bố, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, vượt mục tiêu tăng 6,5 - 6,7% mà Quốc hội đã đặt ra; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, cao hơn 22 tỷ USD so với mốc kỷ lục đạt được năm 2017; lạm phát được kiểm soát hiệu quả, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục từ đầu năm và các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh dần theo sát giá thị trường...

Kết quả đạt được sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định xã hội trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả 5 năm vừa qua và trong thời gian tới, có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong vấn đề tăng trưởng.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2018 đạt cao nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn thấp so với những năm 90 của thế kỷ trước và quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng không cao. Biểu hiện chất lượng tăng trưởng không cao được phản ánh qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh, cân đối ngân sách, nợ công, các lĩnh vực y tế, văn hóa giáo dục, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ,…

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được một số kết quả, nhưng tăng trưởng xét trong thời gian dài đang đạt tốc độ chưa cao, (trừ năm 2018 đã đạt trên 7%), hiệu quả và sức cạnh tranh ở một số lĩnh vực còn thấp, vẫn trong tình trạng mô hình tăng trưởng theo bề rộng như trước đây. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực của Việt Nam về tuyệt đối được đánh giá tăng 0,1 điểm, nhưng thứ bậc lại giảm 3 bậc, đứng thứ 77/140 nền kinh tế năm 2018. Mô hình tăng trưởng vẫn nặng về gia công, có mức giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị.

Trong chiều hướng chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt bình quân 5 - 7%/năm với 3 năm liên tục tăng nhưng có xu hướng không tăng đều sau mỗi 5 - 10 năm. Hơn nữa, việc tăng trưởng cũng không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, thành phần kinh tế và lãnh thổ. Tăng trưởng và phát triển kinh tế cần được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ mang tính tổng thể, với sự tác động của nhiều chỉ tiêu mang tính xã hội (phân hóa giàu nghèo), tính môi trường (tình trạng ô nhiễm).

Năm 2018, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP ước tính đạt 40,23%, mặc dù cao hơn bình quân của giai đoạn 2011-2015 (33,58%) nhưng lại thấp hơn năm 2017 (45,47%) và thấp hơn so với nhiều nước. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 5,6%, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. 

Cho đến nay, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo năm 2018 dự tính đạt 12,65%, thấp hơn mức tăng năm 2017 (12,77%). Đóng góp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo mới dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp và chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Trong những năm gần đây, tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu luôn duy trì ở hai con số, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu (khoảng 1 tỷ USD), tuy nhiên, 70% kim ngạch xuất khẩu là do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Trên thực tế, nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài thì dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đời sống người dân cũng cải thiện không đáng kể. Hơn nữa, động lực cho tăng trưởng từ xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài là có hạn và thường không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi gặp những biến động trên thế giới, sự thay đổi trong các chính sách ưu đãi, hoặc các nhà đầu tư chuyển hướng theo tình hình của thị trường.

Thực tế trên yêu cầu chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Dù vậy, Chính phủ nên tập trung vào một số giải pháp mang tính căn cơ để thực hiện cho được mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như những năm sắp tới.

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201