Thứ Năm, 28/3/2024 - 23:54:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa đổi Bộ luật Lao động: Đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng cho người lao động

THỨ HAI, 20/05/2019 14:49:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Tại Hội thảo “Góp ý sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp” diễn ra ngày 14/5, tại Hà Nội, một mặt các DN, Hiệp hội ngành hàng có sử dụng nhiều lao động đánh giá cao những điểm sửa đổi, bổ sung của Dự thảo, mặt khác, từ thực tiễn, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo này trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Tác động tới đông đảo người lao động

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những góp ý từ cộng đồng DN nhằm đảm bảo các vấn đề về quan hệ lao động được xử lý tích cực hơn, hiệu quả hơn khi Bộ luật sửa đổi được ban hành.

Từ phía cơ quan lập pháp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng nhấn mạnh, Bộ luật Lao động được sửa đổi nhằm đảm bảo sự bình đẳng hơn giữa chủ sử dụng lao động với người lao động, trong đó, những ưu tiên dành cho người lao động hết sức thỏa đáng.

Đề cập đến quy mô, mức độ tác động của Bộ luật, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Dự thảo Bộ luật gồm 17 chương, 221 điều. Dự thảo này giảm 21 điều và sửa 162 điều, bổ sung 48 điều, nhưng các đối tượng điều chỉnh không thay đổi và dự kiến vẫn tác động trực tiếp đến khoảng 37 triệu người lao động. Bộ luật Lao động được sửa đổi nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, nhất là với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và với các cam kết trong Công ước quốc tế 98 (sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong Kỳ họp tới), Công ước 87, 105 (sẽ được phê chuẩn theo lộ trình đến năm 2021) và tính khả thi trong thực thi các điều kiện về tiêu chuẩn lao động; đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những vướng mắc hiện nay.

Chia sẻ những góc nhìn từ cộng đồng DN, các đại biểu tập trung góp ý đối với những quy định liên quan đến các vấn đề về hợp đồng lao động, tiền lương, tăng tuổi nghỉ hưu, giải quyết tranh chấp lao động…

Hài hòa lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp

Tại Hội thảo, một vấn đề được nhiều ý kiến góp ý là không nên quy định thời gian thử việc 6 ngày đối với lao động phổ thông, “khoảng thời gian này chỉ đủ để DN và người lao động làm quen” - đại diện Hiệp hội Thủy sản nhìn nhận và kiến nghị cần tăng thời gian thử việc với lao động phổ thông là không quá 15 ngày làm việc. Đề xuất này cũng được ông Trương Văn Cẩn - Hiệp hội Dệt may kiến nghị với Ban Soạn thảo Bộ luật.

Liên quan đến quy định làm thêm giờ, các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với quy định mở hơn về số giờ làm thêm được quy định theo năm, chứ không theo tháng như hiện hành. Theo Dự thảo, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ/năm. Tuy nhiên, đại diện của các Hiệp hội DN Điện tử, Dệt may, Da giày, Thủy sản… đều kiến nghị nên nâng trần quy định số giờ làm thêm trong một năm để các DN có thể đáp ứng tính thời vụ, quy mô đơn hàng. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Hiệp hội DN Điện tử, nên tăng tổng số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 300 giờ/năm và tối đa là 400 giờ/năm. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, khi thực hiện quy định làm thêm giờ, không nên làm khó cho DN bằng thủ tục hành chính, mà chỉ nên để DN làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm cơ hội kinh doanh cho các DN.

Các hiệp hội ngành hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động nêu trên đều chung ý kiến giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Hoặc nếu có điều chỉnh thì cần phải có lộ trình, cụ thể là chỉ thực hiện đến khi kết thúc thời kỳ dân số vàng của Việt Nam; đồng thời điều chỉnh kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với khối hành chính, sự nghiệp trước và điều chỉnh với khối sản xuất sau.
Về số ngày nghỉ Tết, các đại biểu cho rằng, nên giữ nguyên quy định hiện hành, mặc dù việc kéo dài thời gian nghỉ Tết sẽ gây thiệt hại hơn cho DN, cả về chi phí lẫn thời gian sản xuất.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diện Hiệp hội Thủy sản cho rằng, quy định DN có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong “trường hợp người lao động tự ý bỏ việc không lý do 6 ngày làm việc liên tục hoặc tự ý bỏ việc không lý do 20 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc” vẫn tạo kẽ hở cho người lao động, khi họ có thể nghỉ tự do cách quãng, hoặc nghỉ tự do 5 ngày rồi đến ngày thứ sáu lại đi làm… Do đó, Dự thảo nên quy định “trường hợp người lao động tự ý bỏ việc không lý do 5 ngày cộng dồn trong tháng hoặc tự ý bỏ việc không lý do 20 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc”.

Đối với quy định về tiền lương, quan điểm trong Dự thảo là cải cách, phân cấp toàn diện cho DN, DN được tự quyết định thang, bảng lương nhưng phải dựa trên giá cả thị trường lao động, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Đồng tình với quan điểm này, Hiệp hội Thủy sản đề xuất thêm, không nên quy định DN phải công khai thang, bảng lương tại nơi làm việc mà nên yêu cầu DN lưu lại và có trách nhiệm xuất trình cho cơ quan nhà nước khi kiểm tra/yêu cầu.

H.THOAN
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201